Đang truy cập : 9
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 8
Hôm nay : 1843
Tháng hiện tại : 149955
Tổng lượt truy cập : 6794709
Bình đẳng giới trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ (SKSS/KHHGĐ)
Chiến lược dân số Việt Nam đã xác định mục tiêu của chiến lược là “xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội để nâng cao vị thế và quyền năng cho người phụ nữ. Khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm trong CSSKSS/KHHGĐ, trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái”. Tuy nhiên, chương trình dân số - KHHGĐ của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Phước nói riêng trong thời gian qua vẫn còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề quan trọng trong đó có nội dung bình đẳng giới. Do sức ép của sự gia tăng dân số quá nhanh gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, trong thời gian qua chương trình dân số - KHHGĐ vẫn chưa chú trọng nhiều đến các khía cạnh khác của vấn đề dân số như chất lượng dân số, phân bổ dân cư, bình đẳng giới, CSSKSS … mà chỉ mới tập trung vào làm giảm mức sinh, tỷ số giới tính khi sinh. Trên thực tế, nhận thức của nam giới về vai trò và tầm quan trọng của việc KHHGĐ cũng như việc chia sẻ trách nhiệm trong việc thực hiện chăm sóc, nuôi dạy con cái vẫn còn rất mờ nhạt. Hầu hết trong các buổi tư vấn nhóm, tư vấn cộng đồng hay trong các đợt chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ thì đối tượng tham gia chủ yếu vẫn là chị em phụ nữ còn các đối tượng nam giới trong độ tuổi sinh đẻ thì rất ít chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sự bất bình đẳng giới còn được thể hiện qua tâm lý “thích con trai, phải có con trai nối dõi tông đường và thờ cúng sau này” của một vài bộ phận nam giới. Tâm lý này đã làm cho một bộ phận phụ nữ không có quyền tự quyết định về số con, thời gian sinh con cũng như khoảng cách giữa các lần sinh mà phụ thuộc hoàn toàn vào tâm lý, tư tưởng của chồng, của gia đình chồng. Điều này mặc dù trái với pháp lệnh dân số nhưng thực tế vẫn còn diễn ra và khó có thể kiểm soát. Chính vì vậy, lồng ghép giới trong các chính sách và chương trình dân số và SKSS được coi là biện pháp chiến lược nhằm khắc phục bất bình đẳng giới và cải thiện chất lượng dân số và SKSS. Trong lồng ghép giới, chúng ta quan tâm đến các chương trình KHHGĐ, chương trình phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục, lồng ghép giới trong chương trình làm mẹ an toàn. Các nhóm đối tượng được áp dụng lồng ghép giới là nhóm nằm trong chương trình sức khỏe sinh sản vị thành niên, trong chương trình di cư và trong chương trình đối với các dân tộc thiểu số. Những tập tục lạc hậu còn nặng nề tại các thôn bản, dòng họ, dòng tộc, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; vị trí thấp kém của phụ nữ trong gia đình; là những cản trở chính trong việc thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong công tác dân số/KHHGĐ. Bởi vậy, trước hết cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng; để “nhằm” vào những tồn tại này. Sự “hợp đồng tác chiến” một cách mạnh mẽ sẽ “mở đường” cho lồng ghép bình đẳng giới một cách có hiệu quả trong lĩnh vực dân số/KHHGĐ, trước hết là trong việc thực hiện các dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS góp phần quan trọng vào thành công trong công tác dân số/KHHGĐ trong giai đoạn này./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn