NỨT NẺ TAY CHÂN - BỆNH CỦA MÙA HANH KHÔ
Thứ năm - 19/03/2020 08:42
Mùa thu đông đến mang theo làn không khí mới làm dịu bớt cái nóng bức của mùa hè. Tuy nhiên, cái se se lạnh kèm theo sự hanh khô cũng đem đến không ít phiền toái cho làn da. Chăm sóc cho làn da nhất là đối với những người có làn da khô, nhạy cảm cũng cần được chú trọng trong điều kiện thời tiết này. Một trong những bệnh về da phổ biến nhất trong mùa này là hiện tượng da tay chân bị nứt nẻ. Ở mức độ dù nặng hay nhẹ tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng cũng gây nên không ít những khó chịu và phiền toái đối với sinh hoạt hàng ngày. Đó là sự khó chịu do hiện tượng khô ráp, xốn xang ở những vết nứt, làm mất thẩm mỹ cho đôi bàn chân, bàn tay, gây ảnh hưởng đến những công việc hàng ngày.
NỨT NẺ TAY CHÂN - BỆNH CỦA MÙA HANH KHÔ
Nguyên nhân thì hầu hết ai cũng hiểu là do thời tiết nhưng làm thế nào để giảm bớt những đau rát, xốn xang trên cơ thể và phòng ngừa tái phát thì không phải ai cũng biết và duy trì được thường xuyên bởi hiện tượng này cứ đến hẹn lại lên mỗi độ thu qua đông đến. Có nhiều nguyên dẫn đến chứng bệnh này. Trong đó, yếu tố môi trường được mọi người nghĩ đến đầu tiên và cho đó là nguyên nhân chính. Bởi việc để hở tay chân ngoài gió lạnh, tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất, các chất tẩy rửa như xà phòng, có tính kiềm cao, nước rửa có tính chất tẩy… và ngay cả khi tiếp xúc thường xuyên với nước vì nước làm cho da mềm đi, sau đó nước bay hơi làm cho các tế bào da co lại, cùng với sự khô dầu của làn da đều khiến da ngày càng khô ráp, mất đi độ đàn hồi và lâu dài sẽ hình thành những vết nứt nẻ. Ở nhiều chị em phụ nữ đi giày cao gót cũng bị mắc chứng bệnh này do sự ma sát của chân khiến mồ hôi tiết ra không đều, làm nhiều chỗ ở bàn chân thiếu độ ẩm cần thiết, khiến da bị nứt nẻ. Ở những người khác có thói quen đi chân đất, sự cọ sát giữa bàn chân và mặt đất vừa làm cho da khô và tạo nên các vết nứt. Ngoài ra, khi tuổi càng cao, lượng nước trong da càng giảm sút, không còn tạo đủ chất dầu giữ cho da được mềm nữa, nhưng làn da không được chăm sóc nhất là về mùa đông da khô càng tăng lên, lớp tế bào sừng phía ngoài cùng dày lên, bong vảy từng điểm một sau đó bong vảy tăng lên và các điểm liên kết với nhau tạo thành từng mảng lớn hoặc toàn bộ lòng bàn tay, bàn chân bị bong vảy và đỏ lên kèm theo các vết nứt nẻ. Nền da ở dưới có thể ẩm ướt, có các mụn nước do viêm kèm theo hoặc nền da đỏ khô. Khi bóc lớp vảy ở trên bề mặt đi ta thấy nền da ở dưới đỏ hồng, nhăn nheo. Những vết nếu nứt sâu thì có thể gây chảy máu. Thường thì không ngứa nhưng nếu có viêm da nhiều thì bị ngứa. Kèm theo bệnh nhân có thể bị các đám tổn thương viêm da ở các vùng da khác trên cơ thể. Khi có những hiện tượng bong tróc da, nứt nẻ ở tay, chân người ta thường có thói quen bóc vảy, gãi, cắt gọt những phần da bị bong tróc hoặc chà xát mạnh, ngâm da lâu trong nước nhất là nước có tính kiềm cao (xà phòng, nước rửa chén…). Tuy nhiên, đây cũng chính là những nguyên nhân làm cho chứng bệnh nặng thêm, vì làm tăng khả năng nhiễm trùng do lớp da mỏng dễ tiếp xúc với vi khuẩn bên ngoài. Vì vậy, những người hay dễ bị nứt nẻ da chân, tay, nhất là vào mùa lạnh khô nên hạn chế rửa tay, ngày chỉ nên rửa chân 1 lần cùng với tắm và lưu ý luôn giữ chân tay khô ráo. Khi giặt đồ hoặc làm việc gì có tiếp xúc với nước thì nên sử dụng găng tay.
Để giúp cho làn da khỏe mạnh, tránh khô ráp, nứt nẻ, hoặc khi thấy xuất hiện những trường hợp bị khô và nứt nẻ đầu tiên, ngâm phần tay, chân bị nứt nẻ vào nước ấm có pha chút muối cho da mềm ra, lau khô bằng khăn sạch, rồi có thể sử dụng các loại kem bôi giúp làm mềm và giữ ẩm cho da (dầu gan cá, thuốc mỡ, vaseline…), sau đó dùng gạc hoặc miếng vải sạch che kín vùng tổn thương và cột lại. Lưu ý không nên để miếng gạc quá 1 ngày dễ gây nhiễm khuẩn. Những trường hợp dùng dài ngày quá cần xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu vì một số loại thuốc bôi có thể gây teo da. Sau khi chữa lành, các vết nứt nẻ vẫn có thể xuất hiện lại trên da nếu bạn không biết cách giữ gìn. Trong mùa đông, hãy nhớ dùng găng tay và tất khi đi ra ngoài. Hạn chế rửa chân, tay bằng nước lạnh với xà phòng; rèn luyện thói quen dùng kem giữ ẩm sau khi rửa sạch chân, tay. Uống nhiều nước và ăn nhiều rau quả để giúp cho làn da luôn mịn màng ngay cả trong mùa hanh khô.
Tác giả bài viết: Đ.H
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền