TRẺ MẮC BỆNH VỀ TÂM LÝ ĐANG CÓ XU HƯỚNG TĂNG
Thứ hai - 17/02/2020 15:51
Cùng với việc mỗi tháng có khoảng 150 trẻ đến khám ở Bệnh viện Tâm thần thì ở các bệnh viện nhi TP Hồ Chí Minh, số trẻ em bị chậm nói, tự kỷ do tâm lý phải điều trị bán trú cũng đang quá tải. Đáng lo ngại là hầu hết các em mắc bệnh tâm lý do phải chịu nhiều áp lực và không được gia đình quan tâm đúng mức. Nguyên nhân từ gia đình Hiện nay, nếu muốn cho trẻ khám tại khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng II TP Hồ Chí Minh, phụ huynh phải đăng ký trước đó hơn 1 tuần do lượng bệnh nhi quá đông. Số bệnh nhi đang điều trị bán trú tại khoa cũng tăng gấp đôi so với quy định.
TRẺ MẮC BỆNH VỀ TÂM LÝ ĐANG CÓ XU HƯỚNG TĂNG
Theo số liệu của Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng II thì có khoảng 30% trường hợp trẻ chậm nói do yếu tố tâm lý. Những bệnh tâm lý thường gặp ở trẻ dưới bảy tuổi là chậm phát triển hoặc rối loạn ngôn ngữ, tự kỷ, rối loạn hành vi… trẻ trong độ tuổi đi học thì bị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, loạn thần...Đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị trầm cảm, chậm nói, tự kỷ, rối loạn hành vi… do thời gian tiếp xúc của bố mẹ quá ít đối với trẻ. Họ thường có suy nghĩ con mình còn nhỏ, chúng đã biết gì đâu… và thế là có xu hướng đi làm kiếm thật nhiều tiền để lo cho con có cuộc sống đầy đủ về mặt vật chất hơn là dành thời gian trò chuyện, âu yếm trẻ. Và hướng suy nghĩ như vậy là khá phổ biến trong một số ông bố bà mẹ trẻ.
Theo các bác sỹ và các nhà tâm lý thì sự biến đổi về thể chất và hoàn cảnh sống là hai nhóm nguyên nhân chính gây nên tình trạng rối loạn tâm lý của trẻ. Về thể chất, khi chào đời trẻ đã có nguy cơ bị rối loạn tâm lý do đột biến gen, mẹ bị bệnh trong quá trình mang thai và sử dụng thuốc không đúng cách cũng bị ảnh hưởng, bị nhiễm các hóa chất độc hại, sang chấn về tinh thần gây tổn thương cho não… về hoàn cảnh sống, sự quan tâm nuông chiều quá mức hay thái độ lạnh nhạt, bạo lực của gia đình đều không tốt cho sự phát triển bình thường của trẻ. Nếu được quan tâm thái quá trẻ sẽ cảm thấy bị áp đặt và mất tự do nhu cầu hay ước muốn riêng không được thực hiện. Do đó, trẻ sẽ ngày càng trở nên lầm lỳ.
Ở mỗi lứa tuổi, các bệnh về tâm lý cũng có những biểu hiện riêng. Các triệu chứng thường gặp là trẻ quá hiếu động, quấy đêm, đái dầm, có biểu hiện động kinh, chán ăn hoặc cắn móng tay, nhổ tóc, e sợ trước những vật bình thường… đối với trẻ dưới ba tuổi, rối loạn ngôn ngữ là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất. Nhiều người cho rằng con mình chỉ chậm nói và cứ chờ đợi, khiến trẻ không được điều trị kịp thời. Và cũng đừng thấy trẻ quá ngoan, ít khóc, khi trò chuyện thì không nhìn vào người đối diện, phản ứng chậm, gương mặt ít có biểu cảm, dùng tay khi giao tiếp cũng nghĩ ngay đến bệnh về tâm lý. Các rối loạn tâm lý cũng có thể khiến trẻ mắc bệnh tự kỷ, biểu hiện đặc trưng là trẻ thu mình lại, không muốn tiếp xúc với mọi người kể cả cha mẹ, anh chị. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân vẫn nói được nhưng giọng điệu đều đều, vô cảm. Trẻ chỉ thích chơi một mình và đặc biệt rất thích xem hình ảnh các tạp chí. Nếu bệnh nặng, trẻ hoàn toàn không có sự giao tiếp, không nhìn vào mắt người khác không ngoảnh lại khi có tiếng gọi, suốt ngày ngồi một chỗ, không nói năng, thường xuyên phát ra những âm thanh, từ ngữ vô nghĩa.
Các nghiên cứu về tâm lý đã cho thấy rằng trẻ được 18 tháng tuổi thì đã có cảm giác, nhận xét riêng của mình đối với vật, sự việc xảy ra xung quanh. Bé có thể thích hoặc ghét một chiếc áo hoặc một món đồ chơi nào đó cũng như không muốn gần gũi một đối tượng nào đó, bé sẽ nhận biết được những vật thể xung quanh mình cũng.
Điều trị rối loạn tâm lý cần kết hợp liệu pháp tâm lý với sự nâng đỡ tinh thần. Khi thai nhi được khoảng 4 - 6 tháng tuổi đứa bé đã có năng lực nghe, nhìn cha mẹ nên cùng nghe nhạc, nói chuyện với con trong thời gian này. Sau khi trẻ ra đời, cha mẹ phải biết cách chơi, trò chuyện với trẻ để hướng trẻ phát triển năng lực. Hiện nay nhiều bà mẹ chỉ quan tâm đến khía cạnh dinh dưỡng mà ít quan tâm đến kỹ năng hoạt động và giao tiếp với trẻ. Cha mẹ phải có sự chuẩn bị để thay đổi phù hợp với chuyển biến của trẻ, thường xuyên tiếp xúc với con, cố gắng tìm hiểu nguyên nhân gây rối loạn ở trẻ, giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, phục hồi trạng thái bình thường. Ngoài ra, cần kết hợp với các bác sỹ, chuyên gia tâm lý để có phương pháp điều trị khoa học. Các bệnh về tâm lý chủ yếu điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, do đó không chỉ riêng bệnh nhân mà người nhà bệnh nhân cũng phải được các bác sỹ tư vấn.
Tuy nhiên, hiện có tình trạng nhiều gia đình không chấp nhận sự thật là con mình mắc bệnh do tổn thương tâm lý, do thiếu sự quan tâm. Có nhiều trường hợp, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý suốt một thời gian dài nhưng không được phát hiện, đến khi trẻ đã bị tổn thương thực thể về tâm thần mới được đưa đi điều trị. Đến lúc này việc điều trị phải kéo dài mà không đạt hiệu quả như mong muốn. Để hạn chế những trường hợp mắc bệnh tâm lý, gia đình nên quan tâm, chăm sóc trẻ chu đáo nhưng không nên bảo vệ, áp đặt trẻ quá mức, nhất là đừng quá kỳ vọng vào việc học hành của trẻ và tuyệt đối tránh xảy ra tình trạng xung đột trong gia đình.
Tác giả bài viết: V.D
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền