Gần hai năm qua, bao cao su và thuốc viên tránh thai NightHappy đã được hệ thống cán bộ và cộng tác viên DS-KHHGĐ ở cơ sở đưa đến tận người dân tại các hộ gia đình.
Với giá thành hợp lý, an toàn, không có tác dụng phụ khi sử dụng... NightHappy đã dần trở nên quen thuộc với người dân và được tin dùng.
Đáp ứng nhu cầu cho các đối tượngBà Lê Ánh Tuyết – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới là đẩy mạnh tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai (PTTT) nhằm đảm bảo tính bền vững của các chương trình DS-KHHGĐ. Vì vậy, Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ đã tiếp tục đẩy mạnh công tác TTXH các PTTT trong toàn ngành, đặc biệt là bao cao su và viên uống tránh thai nhãn hiệu NightHappy.
Việc triển khai hoạt động TTXH các PTTT với mục tiêu nhằm tăng cường tính sẵn có, khả năng tiếp cận, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu PTTT; đảm bảo duy trì khả năng tiếp cận với bao cao su, viên uống tránh thai cho các đối tượng khi không có PTTT miễn phí, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng PTTT miễn phí sang tự chi trả để thực hiện KHHGĐ và phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đẩy mạnh hoạt động TTXH các PTTT còn tạo cho khách hàng có thêm cơ hội lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp, sử dụng thường xuyên và đúng cách.
Theo bà Tuyết, hiện có 63/63 tỉnh, thành phố phân công bộ phận TTXH do Lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phụ trách. Có 8 tỉnh thành lập Ban quản lý TTXH các PTTT từ tỉnh đến huyện. Tại tuyến huyện có 611/697 huyện, quận phân công bộ phận TTXH do Lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ phụ trách. Bộ phận TTXH tuyến huyện có nhiệm vụ nhận và cấp sản phẩm TTXH cho tuyến xã; cung cấp sản phẩm TTXH và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Ở tuyến xã, cán bộ TTXH gồm cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên (CTV). Chuyên trách dân số có nhiệm vụ lập danh sách đối tượng sử dụng sản phẩm TTXH, nhận và cấp sản phẩm TTXH cho CTV. Các CTV là người trực tiếp giới thiệu, tuyên truyền về sản phẩm, tư vấn cho khách hàng, bán các sản phẩm TTXH, thu tiền khi đối tượng sử dụng và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Đa dạng hóa các phương tiện tránh thai Để tiếp tục đẩy mạnh mô hình TTXH các PTTT trong thời gian tới, Ban quản lý TTXH các tỉnh, thành phố đều đề xuất Ban quản lý Mô hình Trung ương cần đa dạng hóa sản phẩm TTXH PTTT phi lâm sàng, mở rộng TTXH PTTT lâm sàng như dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai. Cung cấp tờ rơi, tờ gấp quảng cáo các sản phẩm TTXH cho địa phương để cung cấp cho các đối tượng. Tăng chiết khấu hoa hồng bán sản phẩm cho các hệ thống bán lẻ sản phẩm TTXH. Mở các lớp đào tạo tập huấn kỹ năng cơ bản về TTXH cho mạng lưới bán hàng tại các đơn vị. Hỗ trợ nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động truyền thông, nhằm mục đích quảng bá các sản phẩm TTXH. |
Qua một thời gian triển khai hoạt động, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, công tác TTXH các PTTT ở các địa phương cũng đã gặp một số khó khăn nhất định như: Nhận thức của một số bộ phận nhân dân về vấn đề này còn hạn chế, người dân đã quen với việc sử dụng PTTT miễn phí để thực hiện KHHGĐ.
Theo phản ánh của Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, An Giang… trên thị trường có rất nhiều sản phẩm tiếp thị của các Chương trình dự án Phòng chống HIV/AIDS, tính sẵn có và đa dạng các sản phẩm PTTT phi lâm sàng trên thị trường... Người sử dụng PTTT vẫn coi mình có quyền được cung cấp miễn phí nên khi CTV đi tiếp thị PTTT đều bị nghi ngờ bán hàng miễn phí để trục lợi. Khi CVT dân số đi TTXH bao cao su và thuốc tránh thai, người dân thường hỏi “Tại sao lâu nay cho, nay lại bán?”... Trong khi đó, kiến thức, kỹ năng TTXH các PTTT của các CTV dân số chưa cao. Mặt khác, tiền hoa hồng cho người bán TTXH còn thấp cộng với thù lao cho CTV là 100.000 đồng/tháng nên nhiều người chưa nhiệt tình với công việc TTXH các PTTT.
Kinh phí truyền thông tiếp thị PTTT ít, chưa “phủ sóng” được hoạt động TTXH các PTTT đến với mọi người dân nên việc thúc đẩy TTXH càng khó khăn hơn. Một số địa bàn xã điều kiện kinh tế còn khó khăn (không thuộc đối tượng được cấp miễn phí) như ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… do đó đối tượng chưa có khả năng chi trả các PTTT TTXH. Một số người còn e ngại về chất lượng thuốc uống tránh thai và bao cao su bán TTXH. Mạng lưới cơ sở chưa biết cách phối hợp với trạm y tế và các hội đoàn thể để mở rộng TTXH cho các đối tượng có nhu cầu...
Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có những sáng kiến, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tỉnh Điện Biên đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm TTXH lồng ghép trong các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ; thông qua các cuộc nói chuyện chuyên đề nhóm nhỏ tại cộng đồng và các đợt chiến dịch; tư vấn trực tiếp tại các địa điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các huyện, xã. Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội tập huấn chu đáo về kỹ năng vận động, tiếp thị với thông điệp rõ ràng: “Người sử dụng chỉ cần bỏ ra số tiền khoảng gần 40.000 đồng/năm là được sử dụng một biện pháp tránh thai là bao cao su hoặc viên uống tránh thai nhãn hiệu NightHappy chất lượng cao, an toàn và không phải lo lắng có thai ngoài ý muốn”. Nhiều địa phương khác như: Phú Thọ, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Tháp… đã có những cách thức thực hiện sáng tạo cùng với lòng nhiệt tình và năng động của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số nên công tác TTXH các PTTT đã đạt những kết quả khả quan. Nhận thức của người dân về TTXH các PTTT đã được nâng lên. Đại đa số người dân (không thuộc đối tượng miễn phí) đều đã hiểu và nhận thức được mục tiêu của TTXH, đã dần thay đổi được thói quen từ "miễn phí hoàn toàn" sang "trả một phần kinh phí".
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền