Kết quả từ chính sách giảm sinh của Thái Lan và Singapore
Thứ ba - 10/12/2013 13:12
Nhờ các chính sách giảm sinh mà Thái Lan và Singapore không những giảm được tỉ lệ trẻ sơ sinh mà còn tiết kiệm được ngân sách cho Chính phủ về Y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Chính sách giảm sinh tại Singapore
Cung cấp dịch vụ KHHGĐ
Tiếp tục mở rộng địa điểm cung ứng các dịch vụ KHHGĐ gắn với mạng lưới phòng khám, cơ sở y tế công chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, tạo nên mạng lưới cung cấp dịch vụ rộng khắp trong cả nước. Cá nhân, tổ chức mong muốn tham gia “tuyên truyền, phổ biến thông tin về KHHGĐ” hay “bán hoặc phân phối thuốc, xúc tiến hoặc quảng cáo PTTT” phải đăng ký với Uỷ ban DS-KHHGĐ. Hội KHHGĐ (trừ thời gian ngắn từ 1968 đến 1971) và Hội Y khoa thiên chúa giáo trở thành những tổ chức đăng ký ngay từ năm 1966. Những người hành nghề y dược tư nhân đã đăng ký hành nghề với Hội đồng Y khoa và được phép kê đơn, bán PTTT không phải đăng ký lại với Bộ Y tế.
Tuyên truyền vận động
Đẩy mạnh truyền bá thông điệp “gia đình ít con” song không đề ra quy mô bao nhiêu con. Chuẩn mực “gia đình 2 con” được thông qua năm 1972 nhằm mục tiêu giảm sinh đến mức sinh thay thế và sau đó duy trì để ổn định quy mô dân số với mức tăng trưởng bằng không. Năm 1977, khi hiện tượng mức sinh tăng lên do kết quả của bùng nổ dân số trong quá khứ, chương trình đã đưa ra thông điệp “3 khoan” (kết hôn muộn, không vội sinh con đầu lòng và giãn khoảng cách giữa hai lần sinh). Những chỉ tiêu nhân khẩu học và KHHGĐ được xác định bao gồm: giảm số sinh, tỷ suất sinh và khách hàng thực hiện KHHGĐ cần đạt được vào cuối kỳ kế hoạch 5 năm. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt được và vượt mức, điều quan trọng là đạt mức sinh thay thế năm 1975, trước 5 năm so với kế hoạch đề ra.
Chính sách khuyến khích vật chất tinh thần
Singapore có hệ thống chính sách xã hội toàn diện, chính sách khuyến khích thực hiện biện pháp triệt sản, thực hiện gia đình quy mô nhỏ và không khuyến khích gia đình nhiều con. Các chính sách này được triển khai vào năm 1969. Chính sách thưởng phạt được điều chỉnh, bổ sung qua các năm. “Mục đích cơ bản của nhiều chính sách xã hội là giảm hoặc xóa dần việc bao cấp của Chính phủ trong một số dịch vụ nhất định. Cơ sở luận cứ cho vấn đề này là các cá nhân sử dụng dịch vụ miễn phí từ ngân sách (do những người đóng thuế nộp dành để chi trả phí dịch vụ) thì người sử dụng sẽ cảm thấy phải có trách nhiệm cao hơn trong hành vi sinh sản của mình”.
Quy định về nghỉ thai sản chỉ áp dụng cho 3 lần sinh đầu (giai đoạn đầu), sau đó là hai lần sinh đầu (giai đoạn khuyến khích gia đình nhỏ), cuối cùng là áp dụng cho mọi lần sinh (giai đoạn khuyến sinh). Chi phí cho dịch vụ đỡ đẻ cũng tăng lên theo số con, áp dụng hạn chế giảm trừ thuế thu nhập với 3 đứa con đầu, ưu tiên đăng ký nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đối với các gia đình có số con ít hơn, ưu tiên đăng ký học tiểu học đối với trẻ em thuộc các gia đình có 3 con trở xuống.
Đầu tư kinh phí
Bộ Y tế không giám sát được kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích do rất nhiều bộ ngành quản lý. Nhiều tổ chức quốc tế và các quỹ hải ngoại khác đã hỗ trợ tài chính và hỗ trợ bằng hàng cho chương trình KHHGĐ, trong đó Quỹ Ford có đóng góp đáng kể cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo và trang thiết bị cho trụ sở, nơi làm việc của chương trình KHHGĐ quốc gia. Sau đó chuyển thành trụ sở của Ủy ban DS-KHHGĐ. Hội KHHGĐ quốc tế (IPPF) đã hỗ trợ tài chính cho Hội KHHGĐ Singapore từ 77.000 đến 105.000 đô la mỗi năm trong thời kỳ 1985-1996. Nguồn lực tài chính huy động trong nước cũng đã bổ sung, số tiền viện trợ mà chương trình Singapre nhận được là nhỏ bé nếu so sánh với các nước khác.
Kết quả thực hiện chính sách giảm sinh
Có thể đánh giá hiệu quả của chương trình KHHGĐ quốc gia bằng cách ước tính số trẻ em đã tránh sinh. Giả thiết cứ một năm sử dụng BPTT thì tránh sinh được một đứa trẻ, ước tính khoảng 25 vạn đứa trẻ đã không ra đời trong 10 năm từ 1967 đến 1976. Và chương trình đã có hiệu quả đạt được ¾ số đó, tỷ trọng đóng góp của chương trình đã tăng từ 27% (3.937 ca sinh) năm 1967 lên đến 88% (35. 725 ca sinh) vào năm 1976. Trong số các phương pháp tính số ca sinh tránh được thông qua chương trình, viên uống tránh thai đóng góp nhiều nhất (gần 54% số ca sinh tránh được), sau đó là triệt sản (19%) và bao cao su (15%).
Chính sách giảm sinh tại Thái Lan
Mục tiêu chính sách dân số trong kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1972-1976) là: giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 3% xuống 2,5% vào cuối kỳ kế hoạch thông qua sự tự nguyện thực hiện KHHGĐ; ii) đẩy mạnh sử dụng các biện pháp tránh thai, đặc biệt chú trọng đến phụ nữ các vùng nông thôn hẻo lánh; iii) phải làm cho các dịch vụ KHHGĐ luôn có sẵn trong cả nước; iv) phối hợp các hoạt động KHHGĐ với dịch vụ y tế về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 4 (1977-1981)
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 4, Chính phủ Thái Lan chủ trương mở rộng chính sách dân số bao gồm những cải cách có tính pháp lý như khuyến khích kết hôn muộn, tăng cường giáo dục dân số cho phụ nữ.
Mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 4 là giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,5 xuống 2,1% vào cuối kỳ kế hoạch.
Để tăng cường và thúc đẩy các hoạt động KHHGĐ, các biện pháp đề ra chủ yếu là tăng cường sự hỗ trợ về nhân lực, tài chính và phúc lợi như: giảm trợ cấp cho trẻ em của các viên chức nhà nước có 4 con, hủy bỏ chế độ trợ cấp và nghỉ đẻ của người sinh con thứ 5. Nhà nước bắt đầu huy động các tổ chức công và tư nhân tham gia vào các họat động của chương trình KHHGĐ.
Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 5 (1982-1986)
Mục tiêu chính sách dân số trong kế hoạch 5 năm lần thứ 5 là giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,1% năm 1981 xuống 1,5% vào năm 1986. Đồng thời, phấn đấu vận động được 4,6 triệu người thực hiện các biện pháp tránh thai. Chương trình KHHGĐ đặc biệt nhằm vào các nhóm dân cư có mức sinh cao ở các vùng chậm phát triển, hẻo lánh vùng Đông Bắc, các bộ tộc miền núi, dân theo đạo Muslim ở miền nam, dân nghèo nông thôn, khu ổ chuột.
Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 6 (1987-1991)
Mục tiêu chính sách dân số trong kế hoạch 5 năm lần thứ 6 là giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 1,7% năm 1986 xuống còn 1,5% vào năm 1991 (1,3% vào năm 1992), phấn đấu có được 5,7 triệu người chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai.
Kết quả thực hiện chính sách giảm sinh
Hiệu quả của chương trình KHHGĐ của Thái Lan đã làm cho ngân sách Chính phủ tiết kiệm được 840 triệu USD trong kế hoạch 5 năm 1982-1986 và tiết kiệm xấp xỉ 2 tỷ USD trong kế hoạch 5 năm 1987-1991. Như vậy, cứ mỗi bạt chi cho chương trình KHHGĐ thì tiết kiệm được 40 bạt chi cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội nhờ số sinh tránh được bình quân hàng năm khoảng 400.000 trẻ.
Nâng cao chất lượng dân số là vấn đề thay đổi nhận thức, hành vi, thay đổi tập quán, thay đổi văn hóa sinh sản. Để có được sự thay đổi to lớn này, cần có quyết tâm đặc biệt, nguồn lực đặc biệt và cách làm đặc biệt. Vì vậy, theo tôi, chẳng những rất cần tiếp tục Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số mà còn phải duy trì Chương trình này nhiều chu kỳ nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.
Tác giả bài viết: sưu tầm
Nguồn tin: Theo gia đình net
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền