NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NHẰM GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH HIỆN NAY
Thứ năm - 29/11/2018 10:10
Bình đẳng giới nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, hiện nay, bất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra từ gia đình đến cộng đồng và được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ông Bạch Sỹ Long - Chi cục Dân số- KHHGĐ nói chuyện chuyên đề MCBGT KS tại huyện Đồng Phú
Thế nhưng một thực tế hiện nay, những vụ bạo lực trong mỗi gia đình liên quan đến việc phải đẻ con trai vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều nơi trên khắp cả nước. Theo đó, nhiều ông chồng suốt ngày chửi bới, mỉa mai, khi vợ không sinh được con trai. Trong đó, việc gây sức ép để người vợ phải mang thai rồi phá thai hết lần này đến lần khác cho đến khi nào đẻ được con trai thì thôi là một trong những dạng bạo lực gia đình khủng khiếp nhất. Điều này làm tổn hại rất lớn đến sức khỏe cả về thể chất, tinh thần lẫn tâm lý, tình cảm của người phụ nữ ở thực tại cũng như cuộc sống sau này. Tuy nhiên những điều như vậy lại chưa được đề cập nhiều. “Vì vậy ngay từ bây giờ, chúng ta phải bắt đầu nói đến những câu chuyện ấy một cách mạnh mẽ hơn nữa. thông qua các kênh truyền thông đại chúng, các tổ chức xã hội cho đến các cơ quan chức năng khi tuyên truyền, về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, cần đề cập sâu hơn về những hệ lụy mà người phụ nữ phải gánh chịu ở thực tại cũng như ở tương lai sắp tới”.
Hiện nay, nhiều gia đình luôn nghĩ: “Chỉ có con trai mới là người được thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường”; “Phải có con trai mới là người thành đạt”; “Con gái là con người ta”... Chính những quan niệm như vậy đã “thôi thúc” nhiều gia đình phải cố đẻ con trai cho bằng được. Bên cạnh đó, luật pháp, chính sách an sinh xã hội của nước ta vẫn còn dựa rất nhiều trên những thực hành truyền thống như bố mẹ già phải sống với con trai cả. Mặt khác, những hỗ trợ cho người già vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc họ phải sống phụ thuộc vào con trai. Một vấn đề nữa, việc xử phạt những cá nhân, đơn vị tiết lộ giới tính thai nhi cũng còn nan giải, bởi lẽ, họ có rất nhiều cách “lách luật” để thông báo “ngầm” về giới tính thai nhi mà cơ quan chức năng rất khó có thể kiểm tra và xử phạt.
Nên việc nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, các cơ quan, tổ chức, ban ngành cần quyết liệt hơn nữa trong việc thay đổi nhận thức của người dân, làm cho họ hiểu con gái cũng có thể thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động của xã hội nhiều hơn để các gia đình thấy được đẻ con gái cũng vẻ vang, tuyệt vời như đẻ con trai, thậm chí còn hơn đẻ con trai. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình truyền thông, khung pháp lý thực sự đi sâu vào cuộc sống của người dân. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi khá toàn diện chứ không phải là thay đổi một lĩnh vực.
Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trong thời gian tới cần đổi mới nội dung và tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới, nhằm chuyển đổi hành vi theo những cách sáng tạo, thiết thực. Đặc biệt, chú trọng nội dung tuyên truyền phù hợp với từng vùng, miền, nâng cao nhận thức và vai trò của nam giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, đưa nội dung bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi vào quy ước của cộng đồng; cần xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi./.
Tác giả bài viết: Bích Tuyển
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền