Đưa dịch vụ chăm sóc SKSS đến từng công nhân
Thứ ba - 10/12/2013 13:07
Tan ca làm, đồng hồ điểm 17 giờ, Lam hối hả cùng bạn trở về xóm trọ cách chỗ làm 1,5km.
Hôm nay, công ty Pou Yuen (TP HCM) nơi Lam đang làm việc sẽ tổ chức Đêm hội công nhân và sức khỏe sinh sản. Cũng như rất nhiều nam nữ công nhân khác, Lam rất háo hức mong chờ...
“Chuyên gia” về SKSS của công nhân
Từ 4 năm nay, chị Võ Như Thuyền, 25 tuổi, nhân viên hành chính của công ty TNHH Pou Yuen (thuộc tập đoàn Pouchen) đã rất quen thuộc với vai trò một giáo dục viên đồng đẳng (GDVĐĐ). Tham gia đội GDVĐĐ, theo chị Thuyền, là cách để người tỉnh lẻ, độc thân như chị “tự rèn luyện lối sống cởi mở, biết chia sẻ với người khác”. Và Lam là một trong số những người được các thành viên GDVĐĐ chia sẻ.
Lam 21 tuổi, quê ở Hương Khê (Hà Tĩnh), làm ở Pouchen được 2 năm. Cô kể: Công nhân chúng em đi làm tối mặt. Để đủ ăn, dành dụm một chút cho gia đình, chúng em phải làm ngoài giờ, khối lượng công việc ở nhà máy ngốn hết gần 2/3 thời gian. Đi làm về chỉ muốn ngủ, lấy sức cho ngày tiếp, vì thế không thể có thời giờ đọc sách báo, xem tivi, nghe đài, nói gì đến chuyện nghe các vấn đề về chăm sóc SKSS... Thế nên trong xóm trọ bé xíu của Lam, vì nhiều lý do, có phân nửa các cặp “góp gạo thổi cơm chung”. Không ít đôi “ăn cơm trước kẻng”, nhưng do không biết bảo vệ an toàn, nên chuyện dăm bữa nửa tháng lại có người rỉ tai hỏi địa chỉ phá thai chui. Chính vì thế, theo Lam, những đêm hội SKSS mà nhà máy tổ chức rất ý nghĩa đối với công nhân nữ. Bởi sau hoạt động này, Lam cùng nhiều nữ công nhân khác sẽ được đến khám, tư vấn kiến thức chăm sóc SKSS.
Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch Công đoàn tập đoàn Pouchen cho biết: “Với đặc thù lao động nữ chiếm 85%, việc tổ chức các hoạt động truyền thông chăm sóc SKSS cho chị em là rất quan trọng. Chúng tôi luôn đấu tranh và tư vấn cho chủ doanh nghiệp bảo vệ sức khỏe người lao động là bảo vệ sự ổn định và lợi ích cho doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Quang, Pouchen đã thành lập Trung tâm tư vấn và chăm sóc SKSS với sự hỗ trợ của Tổ chức Marie Stopes International Việt Nam (MSIVN) - một tổ chức phi chính phủ của Vương quốc Anh. 300 tuyên truyền viên của Công ty Pouchen đã được tập huấn kiến thức về SKSS để sau này truyền thông đến người lao động. Chương trình hợp tác giữa Pou Yuen, MSIVN và Trung tâm SKSS cộng đồng VNCRH đã được ký kết với sự tài trợ chính của Tập đoàn Pouchen. Chương trình được triển khai trong ba năm, từ tháng 12/2010 – 12/2013 với nội dung cải thiện SKSS cho công nhân thông qua việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế nhà máy Pou Yuen thuộc TP Biên Hòa (Đồng Nai). Đêm hội công nhân chính là hoạt động mở đầu cho hàng loạt hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác.
GDVĐĐ là một mô hình sáng tạo của MSIVN triển khai trong hai dự án truyền thông cho công nhân di cư ở Bình Dương từ năm 2005-2010. Theo đó, MSIVN bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho các công nhân tình nguyện làm GDVĐĐ để họ trực tiếp tuyên truyền và tư vấn riêng cho đồng nghiệp cùng công ty hoặc nhà máy mình đang lao động. Theo bà Nguyễn Thị Bích Hằng – Trưởng đại diện MSIVN thì, các GDVĐĐ nhiều khi chính là “chuyên gia” tư vấn nhanh và gần nhất của công nhân tại các khu công nghiệp.
Chăm lo cho công nhân – đầu tư nhiều lợi nhuận
Cũng theo bà Bích Hằng, từ năm 2005 - 2010, trong khuôn khổ hợp tác với Tập đoàn Adidas, MSIVN đã có sáng kiến khởi đầu cho một sự hợp tác chính thức giữa một thương hiệu lớn với một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận như MSIVN.
“Điều quan trọng nhất, thông qua chương trình này, các doanh nghiệp cung ứng hàng cho các thương hiệu lớn đã hiểu được lợi ích của việc đầu tư cho công tác chăm sóc SKSS cho công nhân. Họ đã nhìn thấy được mối liên hệ giữa chăm sóc SKSS cho công nhân với việc nâng cao hiệu suất lao động tại nhà máy” – Trưởng đại diện MSI tại Việt Nam nói.
Bà Hằng cho hay: Khi công nhân đảm bảo sức khỏe, SKSS và thực hiện tốt công tác KHHGĐ thì họ sẽ gắn bó với nhà máy hơn, hoạch định cho cuộc sống tốt hơn. Điều đó sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp. Một thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là các phương tiện tránh thai hầu như chưa sẵn có để cung ứng cho công nhân tại nhà máy.
Các dịch vụ khác mà công nhân cũng rất cần như các phương pháp phát hiện thai sớm, dịch vụ chăm sóc thai nghén, sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung thậm chí các vấn đề rất đơn giản trong vệ sinh kinh nguyệt hàng ngày cũng còn thiếu. Việc MSIVN cùng với các doanh nghiệp tổ chức các chương trình, hoạt động không chỉ đã cung cấp thông tin mà còn đưa dịch vụ về đến gần với công nhân nhiều hơn.
Tác giả bài viết: sưu tầm
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền