NGƯỜI CỘNG TÁC VIÊN TÂM HUYẾT
Thứ sáu - 30/06/2017 11:07
Sinh năm 1949 tại Nam Định, nhưng cô Trần Thị Nguyệt đã lặn lội, khăn gói cùng chồng con vào đất Bình Phước lập nghiệp từ năm 2001.
Cái duyên với công tác Dân số-KHHGĐ đã đến với cô từ ngày cô còn ở ngoài Bắc từ năm 1980-2001. Rồi khi vào đây làm ăn sinh sống, cô được sự tin tưởng của bà con lối xóm, của chính quyền địa phương, sự động viên của Ban điều hành ấp và Ban DS-KHHGĐ thị trấn Thanh Bình, năm 2008 cô lại tiếp tục làm cộng tác viên dân số-KHHGĐ, kiêm y tế thôn bản tại ấp Thanh Trung, thị trấn Thanh Bình, Bù Đốp.
Cô Trần Thị Nguyệt cộng tác viên dân số-KHHGĐ ấp Thanh Trung, Thị trấn Thanh Bình, Huyện Bù Đốp
Sinh năm 1949 tại Nam Định, nhưng cô Trần Thị Nguyệt đã lặn lội, khăn gói cùng chồng con vào đất Bình Phước lập nghiệp từ năm 2001.
Cái duyên với công tác Dân số-KHHGĐ đã đến với cô từ ngày cô còn ở ngoài Bắc từ năm 1980-2001. Rồi khi vào đây làm ăn sinh sống, cô được sự tin tưởng của bà con lối xóm, của chính quyền địa phương, sự động viên của Ban điều hành ấp và Ban DS-KHHGĐ thị trấn Thanh Bình, năm 2008 cô lại tiếp tục làm cộng tác viên dân số-KHHGĐ, kiêm y tế thôn bản tại ấp Thanh Trung, thị trấn Thanh Bình, Bù Đốp.
Dẫu tuổi đã cao lại không biết đi xe máy, nhưng ở bất cứ con đường nào, ngôi nhà nào cũng đều in dấu chân cô. Hình ảnh người cộng tác viên già cần mẫn, đạp xe đạp khắp làng trên xóm dưới để tuyên truyền cho bà con những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về DS-KHHGĐ; Tư vấn, hướng dẫn cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ lựa chọn phương pháp KHHGĐ phù hợp để sinh con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc; góp phần giúp các gia đình nơi đây phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao cuộc sống.
Dù trời mưa hay trời nắng, dù lúc nhàn rỗi hay lúc bận rộn công việc gia đình cô cũng đều tham gia công tác nhiệt tình và họp hành đầy đủ. Con đường từ nhà cô đến UBND thị trấn không xa, nhưng với người già lại không biết đi xe máy, cộng thêm đường sá khó đi thì với cô đây là một trở ngại. Khi trời mưa thì việc đi lại càng gặp khó khăn hơn, nhất là mỗi lần xuống địa bàn vì đường sình lầy, trơn trượt.
Rồi có nhiều lần cô xuống địa bàn vận động chị em đông con trong độ tuổi sinh đẻ đi đình sản, cô từng bị người ta không tiếp đón, có khi còn bị đuổi ra khỏi nhà vì họ cho là:"bà này rảnh hơi lo chuyện bao đồng". Rồi những năm gần đây, do chuyển đổi chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số - KHHGĐ sang mục tiêu Dân số - Y ế nên việc đầu tư ngân sách cho mục tiêu Dân số - Y Tế có phần cắt giảm cho nên chế độ thù lao cho CTV vốn đã ít nay lại lúc có, lúc không, có khi gần cả năm mới được cấp. Dẫu khó khăn, vất vả là thế nhưng cô chưa từng một lời kêu ca, phàn nàn mà hàng ngày vẫn hăng say với công việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà" của mình.
Với tinh thần "tự nguyện cống hiến", không nghĩ đến thù lao nên cô đã gắn bó lâu dài với công tác DS-KHHGĐ ở địa phương. Trong quá trình tham gia công tác, cô đã gặt hái được một số kết quả đáng ghi nhận: Khi Quyết định 60/QĐ-UBND năm 2006 của UBND tỉnh Bình Phước còn hiệu lực, ấp Thanh Trung đã 3 năm liền đạt tiêu chí khen thưởng ấp không có người sinh con thứ 3 trở lên; Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các BPTT hiện đại ngày càng tăng; hàng năm cô đều đạt các chỉ tiêu mới về KHHGĐ do Ban DS-KHHGĐ thị trấn giao đầu năm. Nhờ những thành tích đó, hàng năm cô đã được UBND thị trấn, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bù Đốp tặng giấy khen; và năm 2015, cô đã được Bộ y tế tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Dân số. Đặc biệt, năm 2016, cô được Bộ y tế tặng Bằng khen về thành tích cống hiến cho ngành Dân số (tỉnh Bình Phước được 1 người).
Mặc dù nay đã gần 70 tuổi, nhưng hàng ngày cô vẫn nhiệt tình với công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Dù công tác DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với lòng tâm huyết, gắn bó với “Nghề” cô đã vượt qua tất cả trở ngại. Không quản tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, chân mỏi để ngày ngày cô cùng chiếc xe đạp rong ruổi trên khắp thôn ấp, mang từng vỉ thuốc tránh thai, từng cái bao cao su, từng tờ rơi tuyên truyền và cùng những lời tư vấn, chia sẻ đến với người dân nơi đây.
Chính những điều giản dị và thiết thực ấy đã giúp cô trở thành người cộng tác viên tiêu biểu của Ban DS-KHHGĐ thị trấn Thanh Bình. Cái tuổi không đánh bại được lòng tâm huyết, sự yêu nghề ở trong cô. Mong rằng, cô luôn có sức khỏe để công tác tốt và hình ảnh của cô Nguyệt sẽ có sức lan tỏa rộng khắp toàn huyện và tỉnh nhà để tạo động lực cho đội ngũ cộng tác viên dân số, giúp công tác Dân số tỉnh nhà đạt kết quả cao hơn nữa trong tình hình ngành Dân số còn gặp nhiều khó khăn và đội ngũ cộng tác viên luôn biến động như hiện nay./.
Tác giả bài viết: Lê Vân
Nguồn tin: Trung tâm Dân số - KHHGĐ Bù Đốp
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền