Đang truy cập : 18
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 16
Hôm nay : 1736
Tháng hiện tại : 149848
Tổng lượt truy cập : 6794602
Duy trì mức sinh thay thế đồng đều ở các vùng, miền
Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (năm 1990), nếu Việt Nam không có các giải pháp triệt để trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGD) thì số dân của Việt Nam sẽ đạt mức 121 triệu người vào năm 2017. Trước con số do Liên hợp quốc đưa ra, Việt Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm đưa mức sinh về mức cân bằng (2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ). Theo cách tính toán của các nhà khoa học với tỷ suất sinh này, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và kết quả kéo dài hơn mười năm cho đến nay; giữ vững được quy mô và cơ cấu dân số ổn định.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện thành công mức sinh thay thế, Việt Nam không cần tiếp tục kiểm soát tỷ lệ mức sinh. Tuy nhiên, trên thực tế con số hiện nay về mức sinh trên cả nước còn có nhiều khác biệt, không đồng đều cả về số lượng và chất lượng.
Mặc dù nước ta đã khống chế tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế hơn 13 năm qua nhưng đến nay vẫn đang có mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Hiện nay, 4/6 vùng trên mức sinh thay thế bao gồm: Trung du miền núi phía Bắc là 2,48 con, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung là 2,30 con, Tây nguyên 2,32 con, Đồng bằng sông Hồng 2,29 con. 2/6 vùng còn lại thì dưới mức sinh thay thế gồm Đồng bằng sông Cửu Long là 1,74 con và Đông Nam Bộ là 1,50 con. Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,98 con.
Tính tổng tỷ suất sinh (TFR) trung bình năm năm gần đây, có 33 tỉnh có mức sinh hơn 2,2 con, 21 tỉnh có mức sinh dưới 2 con và chỉ có 9 tỉnh, thành phố có mức sinh chung quanh mức sinh thay thế (từ 2 đến 2,2 con). Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất và nơi thấp nhất là 1,57 con, trong đó cao nhất Hà Tĩnh là 2,9 con, thấp nhất TP Hồ Chí Minh là 1,33 con.
Nơi có mức sinh thấp tiếp tục có xu hướng giảm sâu và ngày càng lan rộng. Trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, có một số tỉnh mức sinh ở mức rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước.
Theo kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê thực hiện theo phương án trung bình dự báo dân số Việt Nam năm 2029 là 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người.
Trong 5 năm đầu của thời kỳ dự báo, (2019-2024) tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước ta là 0,93%. Trong tương lai, dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái "dừng" vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069.
Kết quả này cho thấy, mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Theo đó, dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm.
Với thực trạng về mức sinh, cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay (111,5 bé trai/100 bé gái), cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng dân số "già" và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh.
Điều chỉnh mức sinh - Đảm bảo nhân lực tương lai
Gia tăng dân số sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đầu tư cho an sinh xã hội, khó cải thiện đời sống nhân dân, hạn chế điều kiện phát triển văn hóa, thể lực của giống nòi. Nhưng nếu để mức sinh quá thấp và duy trì trong một thời gian dài sẽ dẫn đến ít trẻ em được sinh ra, dân số già hóa nhanh..., sẽ gây suy giảm dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động nghiêm trọng làm suy giảm tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Nói chung, mức sinh tăng hay thấp đều ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì mức sinh thay thế, giữ vững mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh xuống thấp; nhất là ở các tỉnh, thành phố đang có mức sinh thấp.
Để giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền, bảo đảm giữ vững mức sinh thay thế hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Quyết định đã đưa ra mục tiêu cụ thể: tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế. Như vậy, đối với địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ KHHGĐ. Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh con ít. Từng bước ban hành, thực hiện chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng... Quyết định cũng đưa ra các yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động cần ưu tiên thực hiện đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Giao chính quyền các địa phương nghiên cứu, ban hành hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con...
Con người là động lực và mục tiêu của sự phát triển trong xã hội hiện đại. Sự bất ổn về cơ cấu dân số (tuổi, giới tính...) sẽ gây ra hệ lụy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển quốc gia.
Nếu Việt Nam chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón nhận một xã hội nhiều người già và sẽ phải nhập khẩu lao động. Vì vậy điều chỉnh mức sinh hợp lý là giải pháp quan trọng nhất để tránh thiếu hụt lao động trong tương lai.
Duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm mức sinh hợp lý giữa các vùng, miền để trong tương lai, Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp diện tích lãnh thổ, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi. Việc duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ kéo dài cơ cấu "dân số vàng"; làm chậm lại thời gian chuyển đổi sang giai đoạn "già hóa dân số", cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước...
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Nguồn tin: Theo gia đình net
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn