Tâm lý phụ nữ nói chung và tâm lý phụ nữ mang thai nói riêng đều chịu sự tác động của các yếu tố từ bên trong cơ thể và cả những tác động từ môi trường xung quanh. Khi mang thai, cơ thể của người phụ nữ trải qua nhiều thay đổi về tâm lý, nó cũng tác động không nhỏ đến sự phát triển của thai nhi cũng như vấn đề sức khỏe của bà mẹ. Bạn có biết tâm lý của phụ nữ mang thai sẽ như thế nào khi trải qua giai đoạn này và bạn sẽ làm gì để vượt qua nó? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu để biết thêm về những thay đổi tâm lý của phụ nữ trong quá trình mang thai.
Khi mang thai được xem là một bước ngoặt trong đời sống tâm lý của người phụ nữ, đa số phụ nữ khi làm mẹ sẽ không lường trước được những bất ổn tâm lý diễn ra trong suốt thai kỳ. Khi mang thai, rất nhiều bà mẹ cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, thèm ăn vô cớ, khó chịu trong người, dễ quên, cáu gắt… hay nói cách khác đây còn là giai đoạn khủng hoảng tự nhiên trong thời kỳ mang thai, bạn hãy đón nhận sự thay đổi đó để quá trình mang thai trở nên tuyệt vời hơn. Chúng ta có thể chia sự biến đổi tâm lý của phụ nữ mang thai thành ba giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.
Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, nếu thai phụ được chuẩn bị tốt về tâm lý trước khi mang thai, mong muốn đậu thai và cảm thấy vui mừng khi chuẩn bị thực hiện thiên chức làm mẹ thì sẽ khá thuận lợi trong việc giúp họ vượt qua giai đoạn mệt mỏi, ốm nghén một cách bình thường. Tuy nhiên, cũng có người không hề mong muốn có con do bị vỡ kế hoạch, kinh tế chưa ổn định, bị ruồng bỏ, thai nhi phát triển không bình thường… dẫn đến mâu thuẫn, xung đột nội tâm khiến cho quá trình mang thai trở nên nặng nề. Do đó họ có những suy nghĩ tiêu cực như muốn làm sẩy thai bởi họ chưa sẵn lòng chấp nhận sự có mặt của đứa trẻ.
Ba tháng giữa thai kỳ, đây là khoảng thời gian dễ chịu nhất của thai kỳ. Thai phụ dần ổn định hơn về tâm lý, họ cảm nhận được sự tồn tại của đứa trẻ đối với những thai phụ mong có con, nỗi sợ sẩy thai cũng dần bị đẩy lùi. Ở một số thai phụ khác không muốn có con cũng dần từ bỏ ý định làm sẩy thai. Trong thời gian này khi mà tác động của nội tiết tố tới tâm sinh lý phụ nữ ít hơn thì quan hệ vợ chồng lại là vấn đề căng thẳng. Rất nhiều người chồng thấy hụt hẫng khi vợ mang bầu. Vợ chồng lạnh nhạt, thậm chí có thể thấy bị tổn thương. Hơn nữa, rất nhiều người vợ cảm thấy tự ti về vóc dáng của mình. Chị em cần nhớ rằng mang thai chỉ là tình trạng tạm thời, vẫn sẽ luôn có cách để quan tâm và gần gũi với chồng.
Ba tháng cuối của thai kỳ, người mẹ cảm thấy nặng nề, di chuyển chậm chạp và cử động khó khăn. Một số việc không thể tự làm mà phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân. Tình trạng này dễ khiến thai phụ thấy bị tổn thương bởi bản thân mất dần hành vi nhanh nhẹn và trở nên khó kiểm soát trong một số hoạt động. Thái độ quan tâm và hỗ trợ của người thân là rất cần thiết trong giai đoạn này.Càng gần ngày sinh, bạn càng có tâm trạng sợ cơn chuyển dạ. Giấc ngủ cũng khó khăn hơn nên người mẹ càng mệt mỏi. Vì vậy, việc tạo ra một tâm lý thoải mái cùng với những suy nghĩ tích cực đối với việc sinh con là cần thiết để đón bé yêu. Ngoài ra, các thai phụ cũng nên thường xuyên tập luyện một số môn thể thao như yoga, đi bộ vừa giúp tâm lý thoải mái vừa giữ vóc dáng. Cũng đừng quên tạo thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, và đừng quên chú ý trong ăn uống cho bản thân.
Tóm tại, trong quá trình mang thai người phụ nữ có rất nhiều cảm xúc và tâm lý mâu thuẫn nên họ cần được cư xử tinh tế và sự giúp đỡ của mọi người. Muốn giảm thiểu lo lắng, gia tăng lòng tự tin cho thai phụ thì gia đình cần có sự tìm hiểu để xác định rõ những nguyên nhân gây khó khăn để có sự hỗ trợ phù hợp. Vì đây là thời gian người phụ nữ cần sự động viên của gia đình nhiều nhất, tạo điểm tựa giúp họ cân bằng cuộc sống trong giai đoạn này.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền