Đang truy cập : 17
•Máy chủ tìm kiếm : 3
•Khách viếng thăm : 14
Hôm nay : 2075
Tháng hiện tại : 118108
Tổng lượt truy cập : 7113515
Tại Nhật Bản, mức sinh thấp là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng già hoá dân số tăng rất nhanh. Đây không phải là vấn đề mới mẻ nhưng ngày càng trầm trọng vào những năm gần đây. Theo số liệu mới được công bố hồi tháng 8/2020, số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản đã đạt tới 36,17 triệu, tăng 300.000 người so với năm 2019. Trong khi đó, tỉ lệ sinh lại giảm xuống, đặt ra áp lực cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Tổng tỷ suất sinh của Nhật Bản giảm mạnh từ giữa những năm 1970 và xuống đến 1,8 con vào năm 1985. Tuy nhiên phải đến năm 1989, mức sinh giảm xuống dưới 1,6 con thì mới thực sự thu hút sự chú ý của xã hội.
Bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế), cho hay nhằm khắc phục tình trạng này, một trong những chính sách quan trọng của Nhật Bản là hỗ trợ phụ nữ mang thai, sinh đẻ và chăm sóc con cái. Chính phủ đã cho phép bố mẹ nghỉ 12 tháng khi sinh con, các cặp vợ chồng khi sinh con được trợ cấp lên đến 50% tiền lương hàng tháng trước khi bắt đầu nghỉ. Trợ cấp trẻ em bằng tiền mở rộng đến lớp 6 hay ban hành các chương trình nhằm hỗ trợ bà mẹ trở lại làm việc sau sinh,…
Mặc dù ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tuy nhiên tổng tỷ suất sinh tại Nhật Bản vẫn tiếp tục giảm sâu (1,3 con vào năm 2005), đến năm 2015, tổng tỷ suất sinh của Nhật Bản tuy có nhỉnh lên khoảng 1,4 con nhưng là chưa đủ và cũng quá muộn. Nhật Bản sẽ không tránh khỏi tình trạng thiếu hụt lao động và già hóa dân số nghiêm trọng. Theo dự báo của Chính phủ Nhật Bản, dân số của đất nước sẽ giảm từ 128 triệu năm 2010 xuống còn 87 triệu người vào năm 2060 và khi đó, khoảng 40% dân số sẽ từ 65 tuổi trở lên.
"Kinh nghiệm và bài học ở Nhật Bản cho thấy, khi mức sinh đã giảm sâu thì những chính sách can thiệp thường phức tạp và khá tốn kém nhưng cũng chỉ đem lại hiệu quả hạn chế" - bà Đặng Quỳnh Thư cho hay.
Để đảo ngược xu hướng này, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tỷ lệ sinh là 1,8 và đưa ra nhiều sáng kiến. Quốc gia Đông Bắc Á này bắt đầu tập trung mọi nỗ lực giúp phụ nữ cải thiện cuộc sống và cân bằng công việc, bằng cách mở rộng số lượng các trường mầm non miễn phí, cắt giảm thời gian tại các nhà trẻ ban ngày và cung cấp thêm thời gian nghỉ phép cho cha mẹ.
Tại Việt Nam, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 588/QĐ-TTg điều chỉnh mức sinh phù hợp, trong đó một trong những giải pháp là "Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau".
Trong đó tại vùng mức sinh thấp có khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con. Thực tế, xu hướng kết hôn muộn, thậm chí không muốn kết hôn đang xuất hiện ở những địa phương có mức sinh thấp - nơi có mức độ đô thị hóa cao hơn hoặc điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển hơn. Còn ở những nơi mức sinh còn cao, tuổi kết hôn trung bình lần đầu thấp hơn đáng kể so với vùng mức sinh thấp. Hiểu đơn giản là phụ nữ ở nơi có mức sinh cao kết hôn sơm hơn nơi có mức sinh thấp. Cụ thể như tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 23,0 tuổi còn vùng Đông Nam bộ là 26,5 tuổi.
Mặc dù Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ 2006, tuy nhiên, thời điểm đó, xu hướng này chưa thực sự rõ nét, số địa phương có mức sinh thấp còn ít. Hiện nay xu thế này tăng lên rất rõ và đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố. Theo công bố năm 2021, có tới 21 tỉnh, thành phố ở nước ta có mức sinh thấp, trong đó có TP HCM, Bình Dương và nhiều tỉnh phía Nam.
"Có thể nói, tại thời điểm này, Việt Nam đã kịp thời có bước chuyển hướng công tác dân số, từ giảm sinh sang duy trì vững chắc mức sinh thay thế" - bà Đặng Quỳnh Thư cho hay.
Tuy nhiên, theo bà Thư, sự thành công của chương trình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó rất cần tăng cường sư lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cấp, cùng với các giải pháp đồng bộ là yếu tố quyết định tới thành công của chương trình.
Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số cũng bày tỏ hi vọng với những can thiệp sớm, kịp thời và hiệu quả, Việt Nam sẽ tránh được "vết xe đổ" về bài toán điều chỉnh mức sinh của Nhật Bản và một số quốc gia.
Thực hiện cuộc vận động "sinh đủ hai con" nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương, sẽ giúp tránh được những hiệu ứng không tích cực của cả hai trạng thái: quy mô dân số quá đông, mật độ dân số quá cao do mức sinh tăng trở lại hoặc quy mô dân số giảm sớm, giảm nhanh nếu mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế thì rất khó đưa mức sinh tăng trở lại, dù có đầu tư lớn cho chính sách khuyến sinh.
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Nguồn tin: Theo gia đình net
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn