Sáng nay (22/7), diễn ra Hội thảo các chuyên đề về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình do Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức tại Phú Thọ. Hội thảo tập trung đánh giá tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ 6 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2013.
Đến dự Hội thảo, về phía Trung ương có ông Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, ông Lê Duy Sớm – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; về phía địa phương có ông Hà Kế San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh Phú Thọ; bà Trần Thị Huyền – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ.
Hội thảo có sự tham dự của Trung ương Hội KHHGĐ Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế phụ trách công tác DS-KHHGĐ, các đồng chí lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ; lãnh đạo các phòng thuộc Chi cục, Trung tâm chăm sóc SKSS 27 tỉnh, thành phố (gồm 22 tỉnh phía Bắc và 5 tỉnh phía Nam); đại diện các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và tỉnh Phú Thọ.
Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề raBáo cáo tình hình thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, tổng số trẻ em sinh ra 5 tháng năm 2013 là 484.089 trẻ giảm 32.080 trẻ so cùng kỳ (giảm 6,2%), trong đó số trẻ nữ sinh ra là 229.533 trẻ (chiếm 47,4%). Có 13/63 tỉnh, thành phố có số trẻ sinh ra tăng so với cùng kỳ năm trước như: Đồng Nai (1.369 trẻ), Nghệ An (1.196 trẻ), Bắc Giang (845 trẻ), Hà Tĩnh (578 trẻ), Đắc Lắc (555 trẻ). Ước đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 mức giảm tỷ lệ sinh 0,10‰ trên toàn quốc.
5 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh cả nước 110,9 thấp hơn so cùng kỳ năm 2012 là 2,4 điểm phần trăm (113,3), các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất tập trung khu vực phía Bắc như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định. Ước năm 2013 là 112,6, đạt mục tiêu khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm khống chế mức tăng 0,4 điểm phần trăm.
Theo báo cáo thống kê 5 tháng đầu năm số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 201.538 ca tăng 42.723 ca (tăng 26,9%) so cùng kỳ, ước năm 2013 là 7% đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Số trẻ sơ sinh được sàng lọc là 58.112 ca tăng 5.395 ca (tăng 10,23%) so cùng kỳ, ước năm 2013 là 18% vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. |
Về chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai, 6 tháng đầu năm đều đạt và vượt kế hoạch. Số nữ đặt vòng tránh thai mới 5 tháng đầu năm 2013 là 542.547 người đạt 44,1% kế hoạch, giảm 31.850 người (5,6%) so cùng kỳ. Có 30/63 tỉnh, thành phố có số nữ đặt vòng tránh thai mới tăng so với cùng kỳ năm trước như: Bình Dương, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá. Có 33/63 tỉnh, thành phố thực hiện triệt sản cả nam và nữ tăng hơn năm trước như: Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Ninh Thuận. Có 11/63 tỉnh, thành phố có số người mới cấy thuốc tránh thai tăng so với cùng kỳ 2012: Hậu Giang, Yên Bái, Bạc Liêu, Phú Thọ, Tây Ninh. Số người sử dung bao cao su, thuốc uống tránh thai, thuốc tiêm tránh thai đạt trên 50% kế hoạch năm và tương đương cùng kỳ năm 2012.
Đẩy mạnh hoạt động nâng cao chất lượng dân số 6 tháng đầu năm 2013, Tổng cục DS-KHHGĐ đã thực hiện xây dựng các tiêu chí kỹ thuật về máy siêu âm màu 3D phục vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh ở 3 tuyến kỹ thuật là Trung ương, tỉnh, huyện. Xây dựng danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật trang thiết bị sàng lọc bệnh Thalassemia cung cấp cho bênh viện vệ tinh tuyến tỉnh. Tích cực triển khai Đề án Chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm các dị tật, bệnh bẩm sinh được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố (trong đó duy trì 5916 xã/458 huyện, và mở rộng 3421 xã/165 huyện) với 3 Trung tâm khu vực thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế. Đã hỗ trợ việc thành lập Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ nhằm cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đề án can thiệp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia tại cộng đồng do Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện tại Hòa Bình với 210 xã/11 huyện của Hòa Bình (mở rộng 66 xã). Mở rộng triển khai hoạt động can thiệp giảm thiểu mắc bệnh Thalassemia tại 5 tỉnh, thành phố (Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa).
Duy trì thực hiện mô hình can thiệp làm giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 22 tỉnh với 290 xã và mở rộng địa bàn triển khai các hoạt động tại 3 tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Ninh Thuận; Đề án nâng cao chất lượng dân số của dân tộc ít người tại 7 tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định và Gia Lai (trong đó duy trì 111 xã và mở rộng 19 xã); Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tiếp tục được duy trì hoạt động tại 1.464 xã của 58 tỉnh, triển khai mở rộng thêm 5 tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, như vậy các hoạt động của mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đã bao phủ cả nước.
Về các hoạt động về điều chỉnh cơ cấu dân số, tiếp tục triển khai các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại 6.256 xã (trong đó, duy trì 5.683 xã và mở rộng 573 xã) của 43 tỉnh; Duy trì các hoạt động của đề án Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại 160 xã thuộc 23 tỉnh có tỉ lệ người cao tuổi cao và mở rộng tại 3 tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh...
Tại Hội thảo, ông Hà Kế San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nơi tổ chức Hội thảo chia sẻ: Trong những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, có được những thành tựu trên, có sự đóng góp lớn của công tác DS-KHHGĐ. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh công tác DS-KHHGĐ đã tạo được chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của mọi tổ chức và trong nhân dân, đạt được nhiều kết quả khích lệ trong thực hiện các mục tiêu.
Trong 20 năm qua, nhờ thực hiện tốt giảm sinh toàn tỉnh đã tránh sinh gần 200.000 người, tương đương dân số bình quân của 2 huyện. Với kết quả này, chương trình DS-KHHGĐ đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh từ 1.792.600 đồng (năm 1997) lên 20,4 triệu đồng (năm 2012). Kết quả mức sinh thấp và dần ổn định đã góp phần cải thiện sức khỏe bà mẹ và giảm tử vong ở trẻ em. Bình quân hàng năm hiện nay cả tỉnh chỉ có khoảng 2,2 – 2,3 vạn phụ nữ mang thai và sinh đẻ, so với 2,4 – 2,9 vạn thời điểm những năm 1988 – 1994. Như vậy, chương trình dân số trực tiếp làm giảm hàng năm từ 2.000 – 7.000 phụ nữ không tham gia sinh đẻ, không có nguy cơ tử vong do thai sản; có điều kiện tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. “Kết quả mức của sinh thấp, ổn định đã tạo sự thay đổi lớn về cơ cấu dân số theo tuổi. Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh, tỉ trọng dân số từ 15 – 64 tuổi chiếm 69,3%, cao gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Đây là cơ hội lý tưởng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ trong nhiều năm tới” – ông Hà Kế San nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phú Thọ cũng như nhiều địa phương trong cả nước mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng công tác DS-KHHGĐ vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao. Cơ cấu dân số trẻ, tiềm ẩn tiềm năng sinh cao. Ý thức chấp nhận thực hiện gia đình quy mô nhỏ, ít con trong người dân chưa thực sự bền vững. Hiện nay, tỉ số giới tính khi sinh ở Phú Thọ đang ở mức cao hơn so với cả nước và xu hướng sẽ còn tiếp tục tăng nếu như không có những giải pháp hữu hiệu. Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, một số vấn đề về SKSS vẫn chưa được giải quyết có hiệu quả. Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về quan điểm tỉnh Phú Thọ xác định: Công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.
Quyết tâm đạt hiệu quả cao nhấtPhát biểu tại Hội thảo, TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá: Nhìn lại 6 tháng vừa qua, chúng ta hết sức phấn khởi trước các thành tích đã đạt được. Các chỉ tiêu cơ bản về dân số đều hoàn thành tốt. Số trẻ sinh ra trong 6 tháng đầu năm giảm, chỉ số giới tính khi sinh sau 6 tháng là 110,9 là tín hiệu đáng mừng.
Tổ chức bộ máy đã được kiện toàn, cán bộ được tập huấn nhuần nhuyễn, quá trình hợp tác thuận lợi là các yếu tố chính giúp ngành dân số đạt được các kết quả thuận lợi trên. Trên 50 tỉnh đã tiến hành đánh giá 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, đây cũng là dịp để lãnh đạo các tỉnh, thành phố đánh giá được tình hình công tác DS-KHHGĐ trong 10 năm qua và có những định hướng cụ thể cho công tác dân số trong 10 năm tới. Ngay từ cuối năm 2012, ngành DS đã được… Phấn đấu quý 3 này, tất cả các tỉnh, thành phố triển khai cập nhật toàn bộ công tác thống kê báo cáo bằng điện tử.
Tổng cục trưởng cũng đánh giá, tỉ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai cơ bản là hoàn thành, tỉ lệ chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động triển khai sàng lọc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) và giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đều thực hiện tốt.
“Với đà này, tôi tin rằng cuối năm chúng ta sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra” – TS Trọng nói. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cũng nhấn mạnh: Đây là tính trên bình diện chung cả nước nhưng với từng tỉnh bức tranh dân số là khác nhau với các con số khác nhau, nhất là tỉ suất sinh. Có những tỉnh tỉ suất sinh đã thấp rồi nhưng lại giảm rất sâu như các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Có những tỉnh mức sinh cao nhưng tỉ suất sinh lại giảm chậm như các tỉnh miền núi ở phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; đòi hỏi phải có những giải pháp và phương pháp thực hiện phù hợp.
Với tỉ lệ giới tính khi sinh có chiều hướng giảm trong 6 tháng theo TS Dương Quốc Trọng đây là tín hiệu đáng mừng nhưng chưa phải là chiều hướng ổn định vì tỉ số giới tính khi sinh của nước ta thường bị chi phối bởi “văn hóa sinh đẻ” của người dân: lên xuống theo năm “đẹp” và năm không đẹp. TS Trọng cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức trước mắt của ngành Dân số trong thời gian tới, đặc biệt cần củng cố kiện toàn hơn nữa tổ chức bộ máy ở địa phương. Trong thời gian tới, hệ thống thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở các tỉnh, thành phố cần tích cực tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương để công tác DS-KHHGĐ được quan tâm duy trì được thành quả, vượt qua thách thức và đạt nhiều kết quả hơn nữa.
TS Dương Quốc Trọng cũng nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để các tỉnh, thành phố làm tốt chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay, nêu ra những khó khăn của mỗi địa phương đề xuất Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ hướng dẫn, giúp đỡ. Từ đó tạo ra được sự thống nhất về tư tưởng, góp phần để thực hiện công tác DS-KHHGĐ 6 tháng cuối năm đạt hiệu quả cao nhất.
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với 10 Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và 03 cơ quan truyền thông đại chúng: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam triển khai chương trình phối hợp tuyên truyền các nội dung về DS-KHHGĐ theo đúng nội dung đã được ký kết trong giai đoạn 2012-2015. Hướng dẫn Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố, các ban ngành, đoàn thể Trung ương triển khai thực hiện công tác truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ năm 2013, đặc biệt là các hoạt động nhân Ngày Dân số Thế giới 11/7, Ngày Dân số Việt Nam 26/12; Tháng Hành động quốc gia về Dân số năm 2013. |
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền