Công tác DS/SKSS/KHHGĐ trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước
Thứ năm - 01/03/2012 09:15
Công tác DS/SKSS/KHHGĐ trong đồng bào
dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước
Ông Bạch Sỹ Long - phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác DS - KHHGG năm 2011
1. Đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước
Bình Phước là tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên là: 6.874,62 km2, Dân số tính đến ngày 31/12/2009: 867.337 người, mật độ dân số là 126 người/Km2, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 41 dân tộc anh em sinh sống, dân tộc bản địa là dân tộc Xtiêng; dân tộc thiểu số chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Bình Phước là tỉnh nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ phía đông giáp tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông và Đồng Nai, phía tây giáp tỉnh Tây Ninh và Công Pông Chàm ( Campuchia), phía bắc giáp tỉnh Karache và Mun Đun, Ki Ri ( Campuchia), phía nam giáp tỉnh Bình Dương. Đơn vị hành chính có 10 huyện, thị (07 huyện và 03 thị xã), số huyện giáp biên giới với Campuchia là 03. Chiều dài đường biên giới là 240 km. Có 111 xã, phường, thị trấn; trong đó có 15 xã biên giới, 20 xã nghèo (xã 135), số xã thuộc vùng khó khăn 72 xã và 829 khu phố, thôn, ấp. Trong những năm qua, với sự tập trung đầu tư của tỉnh, tình hình kinh tế xã hội từng bước ổn định, mức đầu tư của tỉnh cho sự nghiệp giáo dục, y tế được chú trọng, các chương trình phúc lợi xã hội cũng được cải thiện nên mức sống của người dân ngày một nâng cao. Riêng lĩnh vực Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thì hàng năm đều đạt các chỉ tiêu dân số đề ra, cụ thể mức giảm sinh hàng năm khoảng 0,65 đến 0,75%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm giảm khoảng 1 đến 1,5%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các BPTT hiện đại ngày một tăng…
2. Những phong tục tập quán, truyền thống văn hoá, tâm lý, thói quen hành vi liên quan đến SKSS/KHHGĐ và đời sống gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước
Là một tỉnh nằm trong khu vực miền Đông nam bộ có đông đồng bào dân tộc sinh sống, dân tộc bản địa là người Xtiêng. Tính đến ngày 31/12/2009 dân tộc người Xtiêng sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khoảng 71.823 người, cư trú tập trung chủ yếu tại các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Gia mật, Bù Đốp, Bù Đăng và Đồng Phú. Có thể phân biệt hai nhóm Xtiêng là Bù Đéc và Bù Lơ. Nhóm Bù Đéc ở vùng thấp, biết làm ruộng nước và dùng trâu, bò kéo cày từ khá lâu. Nhóm Bù Lơ ở vùng cao, làm rẫy là chủ yếu, sống gần gũi với người Mnông và người Mạ. Dân tộc Xtiêng còn có tên gọi là Xa-điêng. Tiếng Xtiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Ngày nay người Xtiêng đã định canh định cư, từng gia đình nhỏ làm nhà ở riêng. Vùng cao ở nhà trệt, vùng thấp ở nhà sàn. Họ đều là họ phổ biến khắp vùng Xtiêng. Làng Xtiêng có truyền thống tự quản, đứng đầu là một ông già am hiểu tập tục, có uy tín lớn, tháo vát và thường là người giàu có ở làng. Mức giàu được tính bằng tài sản như: trâu, bò, chiêng, cồng, ché, vòng trang sức... Thông thường con trai từ tuổi 19-20, con gái từ tuổi 15-17 bắt đầu tìm bạn đời. Sau lễ cưới, cô dâu về nhà chồng hoặc chú rể về ở đằng vợ. Người X tiêng có thói quen sinh nhiều con, họ cho rắng con cái là trời cho, sinh đẻ là bản năng của người phụ nữ vì vậy họ ít chấp nhận sử dụng các biện pháp KHHGĐ. Không những thế trai gái người Xtiêng còn kết hôn sớm dẫn tới tình trạng tảo hôn. Phụ nữ người Xtiêng có một tâm lý là không để cho người khác thấy được bộ phận sinh dục của mình nên có những nơi, những trường hợp khi người phụ nữ sinh đẻ thì đi vào rừng, vào rãy sinh, sinh xong tự cắt rốn cho con bằng những dụng cụ lao động hàng ngày như dao, rựa… tắm rửa cho con bằng nguồn nước suối tự nhiên và đưa con về nhà.
3. Thực trạng công tác DS/SKSS/KHHGĐ trong bà con đồng bào dân tộc thiểu số
* Về công tác DS/KHHGĐ: Năm 2010 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, số con trung bình của một phụ nữ là 2,34 con; nhưng với phụ nữ là người dân tộc thiểu số, số con trung bình trên 03 con/bà mẹ; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh năm 2008 là 26,32%; 2009 là 13,4%; năm 2010 là 10, 3%. Theo điều tra của Chi cục Dân số/ KHHGĐ tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tập truung chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ở huyện Lộc Ninh tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh con thứ 3 trở lên năm 2005 là 54,17%, năm 2006 là 40,7%, năm 2007 là 42%, năm 2008 là 43%, năm 2009 là 42,26%. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số tập quán đẻ nhiều, đẻ dày, đẻ dù đã có sự thay đổi, họ đã chấp nhận sử dụng dịch vụ KHHGĐ, thông qua việc sử dụng các biện pháp tránh thai tăng lên hàng năm. Các biện pháp mà họ ưa chuộng là triệt sản, đặt vòng, thuốc cấy. Các thông tin, kiến thức về Dân số/Sức khỏe sinh sản/ Kế hoạch hóa gia đình đã được chuyển tải đến tất cả các buôn, làng xa xôi một cách mạnh mẽ và rộng khắp đã góp phần làm chuyển đổi hành vi về DS/SKSS/KHHGĐ của các đối tượng tạo được những thói quen cho phụ nữ, cho các bà mẹ về khám thai, khám, chữa các bệnh lây truyền qua đường sinh sản, đặc biệt làm giảm đáng kể tập quán sinh con tại nhà, sinh con ngoài nương rẩy của bà con.
* Về chăm sóc SKSS: Trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số có những hủ tục lạc hậu, họ cho rằng bộ phận sinh dục là của quý chỉ có chồng mới được nhìn thấy cộng với ít được tiếp cận với các thông tin, kiến thức về chăm sóc SKSS nên vấn đề đi khám, chữa bệnh phụ khoa là rất ít. Nhưng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành đoàn thể, sự nhiệt tình tâm huyết của đội ngũ làm công tác dân số, những tập quán này dần dần được tháo gỡ, người dân đã đến các cơ sở y tế để khám và điều trị các bệnh liên quan đến vấn đề sinh sản. Đặc biệt trong các đợt chiến dịch tăng cường ngành dân số đã đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con đồng bào dân tộc tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ này và được bà con nhiệt tình hưởng ứng.
4. Một số kinh nghiệm trong công DS/SKSS/KHHGĐ cho đồng bào tộc thiểu số
Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình tỉnh Bình Phước trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến và thu được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động trong vùng đồng bào dân tộc. Để đạt được những kết quả trong công tác tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào dân tộc chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Sự gần gủi và chia sẻ với nhân dân: Nguyễn Trãi một thi hào, một danh nhân văn hoá đã từng nói: “ Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” vì vậy sự thành công hay thất bại của một vấn đề là do dân mà ra. Trong công tác Dân số- kế hoạch hoá gia đình của chúng ta cũng vậy để đạt được những chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt là những chỉ tiêu kế hoạch với người dân tộc thiểu số chúng ta phải gần gủi và chia sẻ với nhân dân những tâm tư tình cảm, những phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục để chúng ta hiểu người dân cần gì từ đó chúng ta đưa ra những giải pháp phù hợp trong công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người dân chấp nhận những đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình, chấp nhận áp dụng các BPTT, chấp nhận mô hình gia đình ít con.
- Vận dụng tối đa sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản những người có uy tín trong cộng đồng: Các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản là những người được bà con đồng bào tôn trọng, tiếng nói của những người này được bà con coi như là một mệnh lệnh, vì vậy trong công tác tuyên truyền về dân số- kế hoạch hoá gia đình nếu được những người này ủng hộ thì nhất định thành công.
- Đổi mới sản phẩm truyền thông: Trong những năm qua Chi cục dân số- KHHGĐ tỉnh Bình Phước đã tổ chức biên soạn và xuất bản tờ rơi bằng chữ khơ me và chuyển thể băng casset bằng tiếng đồng bào bân tộc xtiêng đã nhận được sự phản hồi rất khả quan từ những người có uy tín trong công đồng và bà con nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số, bà con đồng bào cho rằng đây là sự quan tâm của Đảng nhà nước, các cấp, các ngành đối với bà con, đã giữ gìn bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của những dân tộc thiểu số.
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác DS/KHHGĐ đặc biệt là tuyến cơ sở: Đội ngũ làm công tác DS/KHHGĐ ở cơ sở có một vai trò hết sức quan trọng trong việc thành công của công tác DS/KHHGĐ trong những năm qua, đặc biệt là công tác DS/KHHGĐ đối với bà con đồng bào dân tộc ít người, tuy nhiên đội ngũ này lại có trình độ học vấn thấp vì vậy để ngặt hái được nhiều kết quả hơn nữa chúng ta cần tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này.
Tác giả bài viết: Bạch Sỹ Long - Chi cục trưởng
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền