- Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay quá trình xây dựng, ban hành Thông tư thực sự "không thể ngắn gọn" vì liên quan việc bổ sung 21 vi chất theo đề nghị của Viện Dinh dưỡng.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 được tổ chức cuối giờ chiều 4/9, phóng viên đặt câu hỏi liên quan Thông tư quy định về
sử dụng sữa tươi cho chương trình Sữa học đường chưa được cơ quan soạn thảo ban hành dù đây là cơ sở pháp lý thực hiện.
Thông tin về vấn đề này, PGS.TS
Nguyễn Trường SơnThứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tháng 7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340 phê duyệt chương trình Sữa học đường. Hai tháng sau, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường.
Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản về vấn đề này. Đế nay, gần 20 tỉnh, thành đưa chương trình Sữa học đường vào thực hiện, đặc biệt một số tỉnh khó khăn như Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn dành kinh phí địa phương thực hiện chương trình này.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định: "Cho đến nay, có cơ sở pháp lý cho các địa phương quan tâm triển khai chương trình Sữa học đường của Thủ tướng Chính phủ, giúp các địa phương dựa vào đó để lựa chọn các loại sữa tươi đủ tiêu chuẩn để thực hiện Sữa học đường".
Trong thời gian chờ đợi Thông tư, Bộ Y tế khuyến nghị các địa phương, đề nghị có sự vào cuộc của cấp uỷ chính quyền, sự ủng hộ của doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện chương trình có hiệu quả.
Về quá trình xây dựng Thông tư, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, từ năm 2017, Bộ Y tế giao cho các đơn vị liên quan chuẩn bị Dự thảo thông tư ban hành hướng dẫn về sữa tươi cho chương trình Sữa học đường.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay quá trình này thực sự "không thể ngắn gọn được" vì liên quan việc bổ sung 21 vi chất theo đề nghị của Viện Dinh dưỡng.
"Việc này đòi hỏi phải có cơ sở khoa học, nghiên cứu đánh giá tác dụng của các vi chất đối với sức khoẻ, đặc biệt là với lứa tuổi vàng của dân tộc, ý kiến của đơn vị kinh doanh, nhà nghiên cứu, cơ quan Quốc hội, Chính phủ, chuyên gia…" - ông Sơn nói.
Ngày 22/8/2019, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp mời các doanh nghiệp sữa, hiệp hội sữa, thực phẩm chức năng… Theo đó, quan điểm của Bộ Y tế khi ban hành văn bản nhà nước trước hết phải chú ý đến lợi ích của người dân, đảm bảo tính pháp lý, đồng bộ, khoa học, thực tiễn, khả thi...
"Bộ Y tế ủng hộ chủ trương bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa tươi của chương trình Sữa học đường" - ông Sơn nói trong cuộc họp báo Chính phủ và cho biết sẽ tiếp tục thực hiện quyết định 1340 của Chính phủ và 5450 của Bộ Y tế.
"Bộ Y tế sẽ sớm ban hành Thông tư trong tháng 9/2019" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.
Trong Thông tư, có điểm lưu ý là 2 loại "sữa tươi nguyên chất tiệt trùng" và "sữa tươi tiệt trùng" sẽ được ưu tiên lựa chọn cho chương trình Sữa học đường. Còn 2 loại "sữa tươi thanh trùng" không được lựa chọn do khả năng thời gian, điều kiện bảo đảm đối với các vùng sâu vùng xa (không phải vấn đề chất lượng).
Về vấn đề vi chất, Bộ Y tế đã giao Viện Dinh dưỡng nghiên cứu, báo cáo tác động của vi chất với sự phát triển của học sinh.
"Đến thời gian ban hành Thông tư, nếu Viện này vẫn chưa trình được báo cáo dữ liệu khoa học, chứng nhận có lợi của 21 vi chất, Bộ vẫn ban hành Thông tư theo hướng bổ sung trước mắt 3 vi chất gồm: Sắt, canxi, vitamin D, đồng thời tiếp tục giao Viện dinh dưỡng nghiên cứu bổ sung sau" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền