Đang truy cập : 9
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 8
Hôm nay : 172
Tháng hiện tại : 112290
Tổng lượt truy cập : 6941198
Dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực góp phần quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Thành công từ sự đầu tư sáng suốt, hiệu quả, đúng đắn
Nhận thức được tác động của gia tăng dân số nhanh ảnh hưởng tới phát triển KT-XH, ngay từ năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, mặc dầu trong lúc đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, trong hoàn cảnh chiến tranh, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn.
Ngày 14/1/1993, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề "Về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình" (gọi tắt là Nghị quyết 04). Từ đây, công tác dân số ở nước ta đã có những thay đổi cơ bản, toàn diện, cả về nội dung, cách làm, huy động toàn hệ thống chính trị tham gia vào công tác DS-KHHGĐ; xây dựng và từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ. Nhờ vậy, kết quả đạt được đều vượt xa mục tiêu đề ra, Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 1,86% (năm 1991) xuống còn 1,36% (năm 2000), quy mô dân số từ 67,24 triệu dân tăng lên 77,64 triệu năm 2000, thấp hơn 4,36 triệu so với mục tiêu đã đề ra khoảng 82 triệu dân vào năm 2000. Tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã được khống chế. Nhờ đó kinh tế ổn định và phát triển nhanh hơn.
Sau hơn 58 năm thực hiện công tác dân số, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Gần 60 năm qua, công tác dân số cũng đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với bao khó khăn thử thách và tổng kết được những bài kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt, giai đoạn 1991-2000 đã đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện với công tác DS-KHHGĐ nước ta. Năm 1991, lần đầu tiên ngành Dân số có bộ máy tổ chức chuyên trách từ Trung ương đến cơ sở. Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ trực thuộc Chính phủ, hệ thống Uỷ ban DS-KHHGĐ cấp tỉnh và huyện thuộc UBND cấp tỉnh và huyện, tại cấp xã có Ban DS-KHHGĐ, có cán bộ chuyên trách và mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ tại tổ dân phố, thôn, bản… được hình thành. Với phương châm hoạt động: "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai phi lâm sàng.
Thành công của công tác dân số trong giai đoạn này đã minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt, tính đúng đắn và sự phù hợp với lòng dân của chính sách.
Ngân sách giảm, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu
Trong một tọa đàm gần đây về công tác dân số trong tình hình mới, Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh: Nguồn lực đầu tư cho Dân số và Phát triển là một thách thức lớn đặt ra cho công tác dân số hiện nay.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, trước đây, chỉ thực hiện một mục tiêu và cũng chỉ có một chỉ tiêu giảm sinh nhưng ngay sau khi NQTW 4 được ban hành, trong hoàn cảnh nước ta còn là nước có thu nhập thấp nhưng đầu tư từ ngân sách Trung ương cho công tác dân số, năm 1993 so với năm 1992, tăng gần 3 lần, còn năm 2012 tăng gấp 36 lần, đạt 970 tỷ đồng. Đó là chưa kể sự hỗ trợ của quốc tế cho công tác DS-KHHGĐ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp NQTW 4 được thực hiện rất thành công.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử chỉ rõ: Hiện nay, giải quyết những vấn đề Dân số và Phát triển với những mục tiêu cụ thể rất rộng lớn, bao gồm tới 24 chỉ tiêu, Nghị quyết số 21-NQ/TW yêu cầu "Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách" và "Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số" nhưng ngân sách của Trung ương lại giảm mạnh, thậm chí năm 2018 chỉ còn 289 tỷ, tức là chỉ gần 30% so với năm 2012.
"Kinh phí không chỉ giảm mà còn được cấp rất chậm đã tạo ra cú sốc lớn trong việc thực hiện chính sách dân số rộng lớn. Bên cạnh đó, nguồn tài trợ quốc tế và huy động nguồn lực xã hội cho công tác này gần như không đáng kể. Thiếu kinh phí, ngay các tỉnh miền núi, vốn được ưu tiên bố trí nguồn lực, nhiều hoạt động của công tác dân số phải cắt; phương tiện tránh thai, phương tiện dùng cho các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số... luôn thiếu hoặc chậm đã hạn chế kết quả của công tác này", Giáo sư Nguyễn Đình Cử trăn trở.
Cần tăng cường nguồn lực tốt nhất cho công tác dân số
Liên Hợp Quốc tính toán, nếu đầu tư 1 USD cho dân số thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 31 USD cho các dịch vụ xã hội cơ bản. Điều đó cho thấy, giá trị của việc đầu tư đúng đắn vào công tác DS-KHHGĐ đã được thế giới đánh giá một cách khoa học, cơ bản.
TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng nhấn mạnh: "Dân số là mẫu số của tất thảy các bài toán khác". Theo TS Bùi Ngọc Thanh, xét về nội dung của dân số thì đây là vấn đề chi phối toàn bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại của một quốc gia. Còn chỉ nói riêng về kinh tế - xã hội thì dân số là bài toán tổng thể, "bài toán mẹ" của tất cả các bài toán chi tiết: Cơ sở hạ tầng, nhà ở, đường sá giao thông; an ninh lương thực, thực phẩm; giáo dục, đào tạo; y tế, khám, chữa bệnh; lao động, việc làm; xóa đói, giảm nghèo; an sinh xã hội, cứu trợ xã hội...
Trong một chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội về đầu tư nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ, TS Bùi Ngọc Thanh khẳng định: Phải tăng mạnh nguồn lực vì đây là điều kiện để thực thi Chiến lược Dân số & Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020 và Chương trình mục tiêu. Về nhân lực, phải giữ và phát triển cho được đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, cán bộ làm công tác dân số bằng và cao hơn so với thời gian còn mô hình tổ chức Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em; đồng thời phải củng cố bộ máy từ Trung ương đến địa phương và cơ sở đủ mạnh với điều kiện hoạt động tốt hơn, thuận lợi hơn.
Đúng vậy, nguồn lực đầu tư cho Dân số và Phát triển là một trong những thách thức rất lớn đặt ra đối với ngành Dân số. Thực tế hiện nay, nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác dân số đã bị thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2017, kinh phí Nhà nước chi cho việc thực hiện một mục tiêu duy nhất là giảm sinh khoảng hơn 900 tỷ đồng/năm. Hiện nay đồng thời phải thực hiện 6 nhiệm vụ của Nghị quyết số 21-NQ/TW, nhưng chỉ được đầu tư ngân sách bằng 40% so với giai đoạn 2011 - 2017. Chính vì vậy, để thực hiện thành công cho công tác Dân số và Phát triển, cần có sự đầu tư xứng đáng cho công tác này từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Dân số là động lực, mục tiêu của phát triển
Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy con người là vốn quý nhất. Trong mọi hình thái kinh tế -xã hội, dân số luôn là lực lượng sản xuất, lại vừa là người tiêu dùng. Do vậy, dân số là động lực, là mục tiêu của phát triển và những biến đổi về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số chính là các yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển.
PGS.TS Trần Văn Chiến, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ: Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực kinh tế thì chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của toàn cầu cũng như của mỗi quốc gia. Dân số trong độ tuổi lao động chính là nguồn nhân lực, là lực lượng sản xuất chủ yếu tạo ra mọi của cải, các giá trị văn hóa và tinh thần của nhân loại, là yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác dân số là một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người... Chính vì vậy, cần sự đầu tư nguồn lực mạnh mẽ bởi dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực góp phần quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm được nhiều quốc gia nhận thức và có những hành động cụ thể. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, hầu hết các nước đang phát triển có sự nhảy vọt về kinh tế trước đó đã thực hiện có kết quả cao về DS-KHHGĐ; góp phần quyết định vào tăng trưởng kinh tế của các con rồng châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan.
Có thể thấy rất rõ mối quan hệ biện chứng của Dân số và Phát triển qua bảng Tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số ở Việt Nam từ 1976-2002 (NXB Thống kê, Tổng cục Thống kê): Tỷ lệ tăng dân số đã giảm rất nhanh và đạt mức 1,7% mỗi năm và do đó, tỷ lệ tăng GDP bình quân đầu người cao nhất trong 3 thập kỷ là 5,86% bình quân mỗi năm. Liên Hợp Quốc cũng đã dự báo rằng, nếu Việt Nam làm tốt chương trình DS-KHHGĐ, quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 120 triệu dân và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người bằng 31,2 lần GDP bình quân đầu người năm 1990. Ngược lại, nếu không thực hiện tốt thì quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 160 triệu người và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người sẽ bằng của năm 1990.
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Nguồn tin: Theo gia đình net
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn