Tiểu đường và những biểu hiện tâm lý
Thứ ba - 24/12/2019 15:06
Khi bị bệnh, người bệnh rất lo âu và mong muốn chóng khỏi bệnh để trở lại cuộc sống gia đình và xã hội. Khi bị bệnh nặng, họ thường rất sợ bị biến chứng, sợ chết, sợ tàn phế... những trường hợp suy nghĩ túng quẫn mà có thể tự sát. Sau đây là một số dạng tâm lý của bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ để thầy thuốc có thể hiểu và thông cảm với người bệnh. Giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cho biết "Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường cao với 5,5% dân số trong độ tuổi 20-79. Khoảng 13,7% dân số mắc tiền đái tháo đường", ước tính cứ 20 người trưởng thành thì có một bị tiểu đường, tuy nhiên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, ông Dàng chia sẻ. Chi phí điều trị đái tháo đường ở Việt Nam ước tính khoảng 320 triệu USD năm 2007, dự đoán tăng lên 1,1 tỷ USD năm 2025.
Tâm lý chung mà bất kì một ai khi biết rằng mình đã mắc bệnh tiểu đường là họ sẽ rơi vào trạng thái lo âu, buồn phiền, thậm chí dẫn đến strees. Dân gian ta vẫn thường nói “ăn được ngủ được là tiên”, nhưng đối với người bệnh tiểu đường, đây không phải là điều mà họ có thể dễ dàng có được, nếu không có hướng giải pháp thích hợp. Vì lo sợ đường huyết bất ổn nên họ đã kiêng cữ quá nhiều loại thực phẩm, đôi lúc dẫn đến việc cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng, ăn không được, ngủ không yên… đã ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng cũng như tinh thần của người bệnh.
Bệnh nhân thường rụt rè, e sợ, thiếu tự tin trước thầy thuốc, đặc biệt là phụ nữ. Đối với người dân Việt vì có phong cách Á Đông thường e lệ kín đáo, không muốn nói rõ bệnh tật của mình. Người thầy thuốc cần thông cảm, tế nhị, bao giờ cũng chuẩn bị thật tốt tâm lý cho bệnh nhân khi khám cũng như khi làm thủ thuật điều trị để bệnh nhân tin tưởng sự đứng đắn của thầy thuốc và sẵn sàng hưởng ứng các ý kiến của thầy thuốc, của điều dưỡng.
Không muốn tin rằng điều không may này lại xảy đến với mình, bạn tự hỏi: không biết thầy thuốc, phòng xét nghiệm có nhầm không? Đặc biệt những người khi được khám định kỳ ngẫu nhiên phát hiện đường máu tăng cao, khả năng chối bỏ bệnh càng lớn với lý do là mình vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, có triệu chứng gì đâu? Rồi năm tháng qua đi, dù bạn không muốn tin thì bệnh tật vẫn hàng ngày ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, khi bạn không thể chối bỏ sự thực là mình mắc bệnh tiểu đường thì biến chứng đã nặng nề. Quá tự tin vào bản thân, tinh thần lạc quan thiếu thực tế, không cần đến sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn đã khiến bạn phải trả giá.
Một loại tâm lý thứ hai thường rơi vào những người có hiểu biết khá tốt, khi biết mình mắc bệnh, bạn tìm hiểu tài liệu, hỏi han những người đồng bệnh sau khi có được những thông tin về bệnh, bạn luôn sống trong nỗi ám ảnh bệnh tật, biến chứng. Bất cứ sự thay đổi dù là nhỏ nhất trong cơ thể (ngày thường không hề để ý đến) nay được nhân lên gấp bội: ngồi lâu một chút gây tê chân do thiếu máu tạm thời được quy kết do biến chứng thần kinh; mắt nhìn mờ đi do tăng, giảm đường máu quá nhanh luôn được coi là biến chứng mắt. Sự lo lắng thái qúa gặm nhấm sinh lực của bạn, khiến bạn mất ăn, mất ngủ, cả gia đình phải lo lắng theo bạn và bạn cảm thấy mình có lỗi. Trong trường hợp này bạn hãy tìm đến các nhà chuyên môn, làm các khám nghiệm cần thiết, tin tưởng vào sự tư vấn của họ. Hãy bình tĩnh trở lại vì mọi sự mới chỉ bắt đầu, người tiểu đường không phải là người tàn phế. Nhưng những điều sau đây có thể bạn chưa biết: hàng ngày, hàng giờ các bác sỹ, dược sỹ khắp nơi trên thế giới vẫn đang tìm kiếm phương thức điều trị mới sao cho hiệu quả hơn, những thuốc mới công hiệu hơn, những thiết bị máy móc giúp giám sát bệnh tật thông minh hơn.
Khi biết mình bị bệnh tiểu đường, có thể bạn sẽ hoảng sợ và rồi phải mất một khoảng thời gian dài bạn mới có thể trấn tĩnh lại, và vượt qua được những lo âu mà căn bệnh này sẽ mang đến cho bạn. Y học ngày nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi bệnh tiểu đường, cho nên biện pháp duy nhất với người bệnh là phải chấp nhận nó và chung sống hòa bình với nó. Giờ đây, y khoa có thể can thiệp và áp dụng các biện pháp giúp điều hòa lượng đường huyết dư thừa, thông qua thuốc men hoặc chế độ ăn kiêng. Điều trị bệnh tiểu đường là một quá trình lâu dài, người bệnh phải kiên nhẫn thực hiện mỗi ngày từng chút một. Bạn càng hiểu rõ về bệnh tiểu đường và cách kiểm soát chúng nhiều chừng nào, thì bạn càng thấy mình khỏe mạnh và tự tin hơn chừng đó.
Tác giả bài viết: V.D
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền