Tâm lý người cao tuổi và yếu tố gia đình
Thứ ba - 24/12/2019 08:52
Người xưa thường có câu “Một già một trẻ bằng nhau” xét về cơ thể, cái yếu ớt của người già tương tự như sự yếu ớt của một em bé. Tuy nhiên, ở trẻ sự yếu ớt kia đang từ từ được củng cố và phát triển theo thời gian. Ngược lại, sự yếu của người già lại từ từ đi xuống cho đến khi sức khỏe không cho phép họ làm việc được nữa. Và câu nói trên tương đối đúng về mối tương quan thể lý và phát triển của một đời người. Vậy bao nhiêu tuổi được coi là già? Theo các nhà sinh vật học và nhân chủng học tuổi thọ mà con người ngày nay mong đạt tới là khoảng 120 tuổi. Như vậy nếu chia đều tuổi thọ ở mức 120 thì khi một người bước vào tuổi 60 là bắt đầu già. Từ sự giảm sút về thể lý dẫn đến những bệnh mà không ai mong muốn có. Thân thể, tứ chi và nội tạng như một chiếc máy rệu rạo, hoạt động giới hạn, trí thông minh cũng hạn chế. Trước đây sắc bén, linh hoạt bao nhiêu thì bây giờ đang trở nên lẩn thẩn, chậm chạp bấy nhiêu.
Theo tâm lý học, người cao tuổi thường sống với ký ức và hoài niệm của mình, với tuổi đời chồng chất, trải qua bao thăng trầm, vinh nhục, cả một khung trời đầy kỷ niệm ấy, là thời gian để sống lại với những kỷ niệm trong sinh hoạt thường ngày của họ. Đây là những gì mà người cao tuổi cho là rất gần gũi và thực tế đối với mình. Chính điều đó đã nảy sinh ra mâu thuẫn giữa quá khứ và hiện tại. Lý trí cho họ biết sức đào thải của thời gian, nhưng thực tế nhiều khi không cho phép họ chấp nhận thực tế này. Cũng từ tâm lý nhìn lại quá khứ tạo nên một quan niệm và lối sống nhiều khi không theo kịp thời đại. Cái mà tuổi trẻ thường gán cho họ là cổ hủ là quê mùa… chính sự khác biệt về quan niệm và ảnh hưởng của tâm lý này. Xét về ba phương diện thể lý, tâm lý và tâm linh mối liên hệ tuổi tác qua sự so sánh với cái nhìn tâm lý, có những điều tương đồng và những điểm này thực sự cần thiết cho những ai đang có ông bà, cha mẹ già, hoặc cô, chú, bác, anh chị lớn tuổi cần chăm sóc và phụng dưỡng.
Ngoài việc sống với kỷ niệm đã qua, thì trí nhớ của họ cũng quay về với quá khứ và không chấp nhận những tư liệu, hình ảnh, suy tư mới. Khả năng chất xám bị co cụm và suy thoái khiến khả năng nhớ bị giới hạn. Vì thế những gì họ mới nghe, mới thấy và mới nói đây chỉ mấy phút sau là quên mất. Ngược lại, họ nhớ rất kỹ những kỷ niệm, những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Tâm lý người cao tuổi cũng cần nhấn mạnh ở mặc cảm tự ti và tự tôn. Hai mặc cảm này khiến cho người cao tuổi đôi khi hành xử rất bất nhất. Một mặt cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết, mặt khác lại thu gọn vào con người hiện tại vì cho rằng mình vô dụng. Mặc cảm tự tôn khiến tuổi già thích đóng góp ý kiến, muốn truyền thụ kinh nghiệm và hiểu biết cho con cháu. Bởi vì đối với họ, đấy là những kho tàng rất quý giá. Về mặt tự ti lại muốn cư xử như một đứa trẻ thích nhõng nhẽo và muốn trở thành cái đinh trong gia đình, cần được mọi người chú ý.
Ngoài những đặc điểm tâm lý kể trên người cao tuổi còn có tâm lý như muốn được chăm sóc và để ý tới nhiều điều hơn; sợ cô đơn hay lo lắng hơn trước; rễ mủi lòng tủi thân… do vậy gia đình, con cháu cần phải để ý và chia sẻ với họ. Chúng ta phải ý thức được rằng mình phải rất bình tĩnh và tập cho đôi tai thích nghe thay vì đôi tai phải nghe những chuyện quá khứ. Tâm lý tích cực này sẽ giúp chúng ta không bị phản ứng khó chịu và bực bội mỗi khi phải nghe những câu chuyện được kể đi kể lại. Thực tế chúng ta phải chấp nhận điều này, vì mình sẽ không bao giờ đổi được suy tư và lối sống của ông bà, cha mẹ hay người thân cao tuổi của mình. Nếu không chấp nhận thì sẽ tạo rất nhiều bất đồng giữa mình và ông bà, cha mẹ và người cao tuổi trong gia đình. Gia đình, con cháu hãy quan tâm đến nhu cầu thực tế và căn bản của người cao tuổi như ăn, ngủ, đưa đi khám bệnh, để ý xem việc uống thuốc có đúng theo toa không nhằm giúp đỡ. Tạo điều kiện cho họ có những sinh hoạt giải trí đều đặn, như đi bộ cùng các cụ khác, tập thể thao, đánh bài, đánh cờ tường, đi du lịch… người cao tuổi thường yêu trẻ con do đó nên tạo cơ hội cho cho họ có cơ hội vui chơi với các cháu ngoại, cháu nội.
Hết lòng tôn trọng cha, đừng quên những cơn đau của mẹ, hãy nhớ rằng nhờ họ mà ta đã sinh ra đời. Điều khiến chúng ta phải lưu ý là nhìn tuổi thọ như một hồng ân điều này sẽ cho chúng ta một cái nhìn tích cực để chăm sóc chu toàn.
Tác giả bài viết: V.D
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền