Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn đề cao trong hệ thống chính sách An sinh xã hội. Đây là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng thể hiện tính nhân đạo, nhân văn và tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe (CSSK), góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.
Tính đến tháng 5/2019, cả nước có 84,5 triệu người dân tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 89% dân số. Đáng chú ý, diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: Nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đạt xấp xỉ 100% và trên 17 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Tại Việt Nam, chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện từ năm 1992. Ngày 14-11-2008, Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua. Ngày 16/6/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTG về việc lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam”. Ngày BHYT Việt Nam là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì
sức khỏe của bản thân,
gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước. Đây cũng là dịp để quán triệt sâu sắc và nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT - một bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính y tế quốc gia, một trong những phương thức xã hội hóa công tác y tế thông qua huy động đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thực tế cho thấy, việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa khi chẳng may đau ốm. Thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau. Do đó đóng tiền mua thẻ BHYT là cách đóng góp khi lành, để dành khi ốm.
Quyền lợi BHYT của người dân ngày càng được bảo đảm, giúp người dân thấy được vai trò thiết thực của BHYT với an sinh của bản thân, gia đình và xã hội. Điều này được thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh BHYT liên tục tăng qua các năm, tương ứng với đó là số chi phí khám, chữa bệnh được chi từ Quỹ BHYT
. Nhờ tham gia BHYT, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được Quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng chi phí điều trị. Gần đây, một bệnh nhân nam ở Vĩnh Long, đã đượcquỹ bảo hiểm y tế thanh toán với tổng số tiền điều trị từ năm 2017 đến tháng 5/2019 là hơn 12,9 tỷ đồng. Đây là bệnh nhân được quỹ bảo hiểm y tế chi trả cao nhất, đến nay. Dự kiến số chi phí điều trị cho bệnh nhân này sẽ còn tăng lên.
BHXH Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông BHYT, hướng người tham gia BHYT khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe kịp thời, giảm các chi phí hành chính, đồng thời phối hợp với Ngành y tế nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế tuyến cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử... nhằm giúp người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ được dễ dàng và thuận tiện ngay từ tuyến y tế cơ sở, vì mục tiêu phát triển BHYT toàn dân bền vững.
Nghị định 38/2019/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động là 1.490.000 đồng/tháng, tăng thêm 100.000 đồng so với hiện hành. Mức lương cơ sở tăng lên sẽ kéo theo mức hưởng BHYT tăng lên.
Mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.
Tin rằng với những mục tiêu đặt ra và những giải pháp cụ thể người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được phục vụ tốt hơn đó chính là đòn bẩy để thực hiện mục tiêu tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân. Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhân đạo và rất cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về BHYT của Nhà nước. Để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, gia đình mình, mọi người hãy tham gia BHYT vì đây là “tấm thẻ vàng chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền