HÃY TẬP CHO BÉ NGỦ RIÊNG
Thứ năm - 30/07/2020 14:41
Để con ngủ chung hay ngủ riêng với bố mẹ đang là vấn đề được trao đổi khá sôi nỗi trên nhiều diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh. Với những câu hỏi, trăn trở như là: có nên cho con ngủ riêng ? bao giờ bé cần ngủ riêng? Làm thế nào để tách bé không nằm chung với bố mẹ nữa? Và ngủ chung sẽ ảnh hưởng cho bé như thế nào?... rất nhiều thắc mắc và cũng là vấn đề mà các bậc phụ huynh rất cần lời giải đáp.
Việc ngủ chung hay ngủ riêng đều có lợi ích cho bé. Ngủ chung với bố mẹ sẽ đem lại cho bé có đời sống tình cảm phong phú và giúp bé cảm nhận được hơi ấm và tình yêu thương từ bố mẹ một cách sâu sắc và gần gũi hơn. Còn ngủ riêng sẽ giúp bé sớm hình thành tính ý thức tự lập trong cuộc sống và có khả năng thích nghi với các hoàn cảnh sống khác nhau. Tuy nhiên, ở các nước Phương Tây hầu hết cho trẻ ngủ riêng từ lúc bé 3 tuổi, còn ở Việt Nam do thói quen con ngủ chung với bố mẹ đã tồn tại khá lâu, cùng với việc nhiều gia đình chưa có điều kiện xây phòng riêng cho bé và với tâm lý quen lo lắng, che chở cho con nên nhiều cặp vợ chồng không muốn cho con ngủ riêng sớm. Chính vì những lẽ đó mà các chuyên gia không thể đưa ra câu trả lời cụ thể, vì mỗi gia đình có điều kiện sống và cách giáo dục con khác nhau. Nhưng không thể vì một lý do nhỏ là nhà chật chội, không có phòng riêng dành cho bé mà để bé nằm chung với bố mẹ. Điều đó không những không tốt cho bé mà còn bất ổn cho cả gia đình. Nếu bé chưa có phòng riêng thì chúng ta có thể mua cho bé một chiếc giường nhỏ đặt bên cạnh giường bố mẹ và một tấm rèm che ở giữa là được.
Phải có lý do chính đáng thì các chuyên gia mới khuyên chúng ta nên bắt đầu tập cho bé ngủ riêng từ lúc 3 – 6 tuổi tùy theo tính cách và thể chất của từng bé. Vì ngủ chung với bố mẹ bé sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ, mặt tâm lý, hành vi. Có câu chuyện vừa cười vừa thật mà bạn tôi tâm sự: “con trai bạn tôi năm nay học lớp 4 mà vẫn ngủ chung với bố mẹ, nhiều lần bạn tôi gợi ý việc cháu nên ngủ riêng nhưng cháu không chịu. Mặc dù bạn tôi đã chuẩn bị cho con một phòng rất tiện nghi nhưng đến tối bé vẫn sang phòng bố mẹ để ngủ. Thấy thương con, sợ con nằm một mình buồn và không kiểm soát được con trong khi con ngủ nên chị đã để con ngủ cùng. Chị kể: có lần, thấy con nằm im quay mặt vào tường, chị quay sang ôm chồng thì lập tức con gọi, mẹ ơi ! con chưa ngủ đâu ! hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau cười. Theo các nhà tâm lý, do bé chưa hiểu được “chuyện ấy” là một phần đời sống vợ chồng nên lỡ có chứng kiến sẽ khiến cho trẻ tò mò, tìm cách khám phá rồi bắt chước, gây hậu quả về mặt hành vi cũng như tâm lý. Và chắc hẳn, trong tâm trí của trẻ sự việc đó sẽ ảnh hưởng bé về lâu dài. Mặt khác, quen ngủ chung với bố mẹ sẽ hình thành thói quen dựa dẫm, thiếu tự tin hay sợ hãi nếu phải ở một mình. Vì thế ngay từ bây giờ các ông bố, bà mẹ hãy tạo cho bé thói quen ngủ riêng và khi bắt đầu cho bé ngủ riêng cần lưu ý một số điểm sau:
Khắc phục tâm lý sợ hãi của bé: các bé ở lứa tuổi này thường không thích, không dám ngủ riêng với nhiều lý do: yêu mến bố mẹ, sợ bóng đêm, sợ ma v.v. vì thế cần khắc phục tâm lý này một cách từ từ. Chẳng hạn bố mẹ có thể trò chuyện cùng bé, để bé nói ra những suy nghĩ, những nỗi sợ hãi mơ hồ của mình. Khuyên nhủ, động viên bé hiểu rằng đó là những nỗi sợ không có thật. Khuyến khích bé phát triển trí dũng cảm, dám đương đầu với những khó khăn lúc đang còn nhỏ.
Tạo cho bé tính độc lập: cho bé quen với việc ngủ riêng một cách cẩn thận, từng bước một với sự giúp sức của bố mẹ. Hướng dẫn bé chuẩn bị chăn màn trước khi ngủ; khi ngủ dậy khuyến khích bé tự dọn dẹp chỗ ngủ. Làm được điều này khi lớn trẻ sẽ có ý thức tự chăm sóc bản thân, sống ngăn nắp và qui cũ.
Tuy nhiên để bé tập được thói quen ngủ riêng là điều không đơn giản. Vì vậy các ông bố bà mẹ hãy hết sức kiên nhẫn và giúp đỡ bé yêu ngay từ bây giờ nhé.
Tác giả bài viết: Thanh Quyết
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền