Giảm tình trạng tảo hôn vì chất lượng dân số
Thứ sáu - 11/10/2024 16:26
Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII nêu rõ: "Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số phát triển”. Theo đó, Công tác dân số sẽ tập trung toàn diện cho 4 nội dung gồm: quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.
Những năm qua, mặc dù các ngành chức năng của tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh truyền thông, vận động, triển khai và nhân rộng các mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số, song trên thực tế, tình trạng này vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương và để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, cũng như chất lượng dân số, cùng với tảo hôn, thì vấn nạn hôn nhân cận huyết thống cũng còn tồn tại ở các vùng dân tộc thiểu số. Theo tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo: Tỷ lệ tử vong ở thế hệ sau của những cặp vợ chồng cùng huyết thống là rất cao, gấp 3 lần so với những người bình thường. Còn tỷ lệ trẻ bị dị tật còn cao hơn nữa, gấp khoảng 5 đến 6 lần. Đây cũng là nguyên nhân suy giảm chất lượng dân số.
Tảo hôn luôn là một vấn nạn nhức nhối tồn tại trên các ấp, buôn, sóc người đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước. Chỉ tính riêng tại xã Đak Nhau, huyện Bù Đăng từ cuối năm 2023 đến nay đã có 9 bà mẹ tuổi vị thành niên. Những con số trên cũng chưa đánh giá hết vấn đề tảo hôn trên toàn xã vì có những trường hợp đối tượng che dấu số tuổi
Thị Him là 1 ví dụ điển hình, sinh năm 2000, nhưng khi vừa bước sang tuổi 15, Thị Him đã quyết định nghỉ học để lấy chồng. Sau 7 năm chung sống, hiện nay Thị Him đã sinh 3 con, đứa lớn nhất mới vào lớp 1, đứa nhỏ nhất mới vừa đầy năm. Trong căn nhà chật chội, dựng tạm trên đất của cha mẹ, hằng ngày Thị Him chỉ có thể ở nhà trông con và lo cơm nước. Một mình chồng chị đi tìm việc làm thuê làm mướn, trang trải cuộc sống của 5 thành viên. Những đứa trẻ của Thị Him cũng vì không được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ nên đen nhẻm, còi cọc, suy dinh dưỡng.
Có thể thấy, tảo hôn không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy. Những cặp vợ chồng "trẻ con" này đã tự đánh mất cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm để lập thân, lập nghiệp nên cứ luẩn quẩn trong cảnh túng thiếu. Nghiêm trọng hơn, những trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả người mẹ và em bé trong suốt thai kỳ và sau sinh.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ làm công tác dân số cơ sở vẫn đang từng ngày nỗ lực đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thay đổi hành vi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện, chủ động chấp hành pháp lệnh dân số. Đồng thời cung cấp các phương tiện tránh thai, tư vấn tiền hôn nhân cho lứa tuổi vị thành niên. Giải pháp lâu dài và bền vững để xóa bỏ đi những tập tục lạc hậu về vấn nạn tảo hôn trên địa bàn tỉnh cần phải có thời gian và sự đồng lòng, chung tay gắng sức của toàn xã hội. Công tác dân số cần sự linh hoạt lồng ghép với việc hỗ trợ các chính sách xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi chỉ khi điều kiện kinh tế phát triển, nhận thức của người dân thay đổi, tình trạng tảo hôn mới được ngăn chặn.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu
Nguồn tin: Chi cục Dân số tỉnh
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền