Đang truy cập : 10
Hôm nay : 247
Tháng hiện tại : 112365
Tổng lượt truy cập : 6941273
Người cao tuổi cần tinh thần và sức khỏe
Rất nhiều NCT khi được hỏi về điều làm họ muốn sống tiếp, hầu hết đều trả lời "tinh thần và sức khỏe". Việc duy trì tuổi thọ đối với người già là một trong những thách thức không chỉ của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà còn là mối quan tâm của cả xã hội. Việc chăm sóc sức khỏe NCT hay tạo môi trường thân thiện sống cho NCT đã và đang trở thành "nhiệm vụ" của mỗi gia đình và xã hội.
Cô đơn, tuổi già là hai yếu tố cộng hưởng khiến cho NCT gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính. Điều NCT cần là được chăm sóc toàn diện cả về mặt thể chất, sức khỏe và tinh thần. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường đầu tư, cải thiện hệ thống sức khỏe ban đầu, lồng ghép chăm sóc y tế với chăm sóc xã hội cho NCT, việc xây dựng môi trường thân thiện cho NCT cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, để NCT có thể sống vui vẻ, mạnh khỏe và có cơ hội học tập suốt đời. Môi trường thân thiện với NCT được hiểu là tất cả những gì tiện lợi, hỗ trợ cho cuộc sống, sinh hoạt của NCT. Ở đó, NCT cảm thấy họ được quan tâm, được bảo vệ và tôn trọng.
Điều tra Quốc gia về NCT Việt Nam của Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam 2011 cho thấy, có 72,3% số NCT sống cùng con cháu nhưng tình trạng NCT sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó, số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân cao gấp 2,2 lần so với nam giới. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với NCT bởi quan niệm của người Á Đông, bao gồm cả người Việt Nam, gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.
Một số ít NCT rơi vào hoàn cảnh, dù sống với con cháu, nhưng sự cách biệt về tuổi tác, thế hệ khiến NCT và con cái không có chung tiếng nói, làm cho NCT sống thu mình, trở nên cô đơn trong chính gia đình của họ. Và ngay cả khi được con cái quan tâm chăm sóc thì "con chăm cha không bằng bà chăm ông". Ngày nay, việc con cái đi du học hay kiếm sống ở những thành phố lớn/khác đã trở nên phổ biến. Cùng với đó, việc người trẻ xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, phấn đấu trong học tập, công việc ... khiến cho họ ít có điều kiện để quan tâm thăm hỏi cha/mẹ hơn. Mặt khác, NCT đã quen sống ở nông thôn, nơi chôn rau cắt rốn, thường có tâm lý không muốn lên thành thị sống cùng con cháu và không phải người con nào cũng có khả năng về kinh tế để đón cha/mẹ lên ở cùng. Thực tế, công nghệ số đã hỗ trợ rất nhiều trong thông tin liên lạc và có nhiều NCT đã vượt qua sự hạn chế của tuổi tác để mày mò sử dụng facebook, zalo... kết nối với con cái. Tuy vậy, khi con cái trưởng thành, bận rộn mưu sinh và những thú vui khác thì cha mẹ của họ đang ngày một già đi và cảm thấy cô đơn. Họ mong ngóng được nói chuyện hàng ngày với con cái dù chỉ qua điện thoại.
Xây dựng môi trường thân thiện và hệ thống chăm sóc y tế cho NCT
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với NCT, môi trường thân thiện giúp cho sự già hóa khỏe mạnh thông qua việc hỗ trợ, duy trì và phát triển năng lực nội tại suốt vòng đời của mỗi người, sao cho NCT với năng lực nội tại khác nhau đều có thể phát huy khả năng hoạt động và đạt được những giá trị riêng của chính mình.
Trong hội thảo ngày 23/9/2019 giữa Tổng cục Dân số với WHO về xây dựng môi trường và hệ thống chăm sóc y tế thân thiện với NCT, BS Vânia de la Fuente, thành viên của WHO nhận định: "Lão hóa lành mạnh là quá trình phát triển và duy trì năng lực chức năng để giữ được sức khỏe khi về già". Bà Vânia cho rằng, chúng ta đang có cơ hội rất tốt để đóng góp vào một thập kỷ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT giai đoạn 2020-2030. Thập kỷ này sẽ xây dựng sự kết nối và hợp tác từ vấn đề trung tâm cho đến từng bước đi, có sự gắn kết chặt chẽ với chính NCT. Thập kỷ Lão hóa lành mạnh có sự tham gia tập trung vào tiếng nói, quyền, khả năng và nhu cầu của NCT.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số: "Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển phải mất nhiều thập kỷ, có nước phải mất hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Ví dụ, nước Pháp mất 115 năm, Úc 73 năm, Trung Quốc 26 năm. Tuy nhiên, theo dự báo Việt Nam chỉ mất 15-20 năm chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Tính đến năm 2018, Việt Nam có 18 triệu NCT, chiếm 17,5% dân số. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ lên tới 32 triệu, chiếm 31% dân số. Khi ấy, Việt Nam sẽ trở thành một nước có dân số siêu già".
NCT tại Việt Nam sống tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn và làm nông nghiệp (chiếm 68%), đời sống vật chất còn khó khăn kéo theo việc phải đối mặt với nhiều bệnh tật. Theo báo cáo của Viện Lão khoa Việt Nam, một NCT trung bình mắc 3 bệnh mãn tính (bệnh tật kép) như bệnh tim, bệnh phổi, sa sút trí tuệ và có nguy cơ dẫn đến tàn phế do quá trình lão hóa. Nếu phải điều trị trong hệ thống y tế cũng rất tốn kém, chi phí điều trị lớn. Gánh nặng bệnh tật kép này đe dọa đến nguồn ngân sách vốn đã eo hẹp của các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Hệ thống an sinh xã hội ở nước ta cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi... Sau trẻ em, NCT phải là đối tượng được quan tâm nhiều nhất. NCT còn có những yêu cầu khác biệt, đặc thù về chăm sóc sức khỏe so với các nhóm tuổi khác. Đặc điểm bệnh lý của NCT khác với các lứa tuổi khác như lão hóa các cơ quan, tính chất đa bệnh lý, các hội chứng đặc trưng ở người cao tuổi; cùng một lúc phải sử dụng nhiều loại thuốc, tình trạng phụ thuộc; tăng nguy cơ tai biến. Bệnh nhân cao tuổi thường có các hội chứng lão khoa đặc trưng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, loét, mất nước, có nguy cơ tai biến điều trị cao… Tiếp đó, các bệnh nhân có nguy cơ phụ thuộc hoàn toàn về thể chất và tâm thần, khả năng hồi phục thấp.
Hiện toàn quốc mới có 51/63 tỉnh, thành đã phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe NCT và lập kế hoạch thực hiện. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe NCT còn gặp nhiều khó khăn, chưa có chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư. Trên cơ sở này, Tổng cục DS-KHHGĐ đề xuất triển khai thí điểm một số mô hình chăm sóc dài hạn tại địa phương. Từ đó, đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ, Bộ Y tế để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT. Với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WHO, Tổng cục DS-KHHGĐ kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí tổ chức, xây dựng, thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe NCT; hỗ trợ triển khai thí điểm xây dựng môi trường thân thiện với NCT ở vài địa phương và hỗ trợ tập huấn cho giảng viên tuyến tỉnh...
Tính đến nay, có 96% NCT được cấp thẻ BHYT; 100% bệnh viện cấp Trung ương đến tỉnh có khoa Lão khoa; gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng riêng khám cho NCT với trên 8.000 giường điều trị nội trú. Có 11.572 CLB “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” được thành lập với 639.863 NCT tham gia; mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng vẫn duy trì. Trong năm 2018, các tổ chức này đã hỗ trợ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, đạt 24,7% .
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Nguồn tin: Theo gia đình net
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn