Đang truy cập : 16
Hôm nay : 1327
Tháng hiện tại : 12803
Tổng lượt truy cập : 7185094
Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác dân số. Ảnh: N.Mai
Nghị quyết quan trọng về công tác dân số trong tình hình mới
Xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Sau khi Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Hội nghị 4, BCH Trung ương khóa 7, tháng 1/1993 về chính sách DS-KHHGĐ được ban hành, chiến lược dân số của nước ta tập trung vào việc giải quyết vấn đề mức sinh. Theo đó, nước ta đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) vào năm 2006 và duy trì trong suốt hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài, rộng khắp cả nước cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu nhân khẩu học cũng đã phát sinh nhiều vấn đề mới của công tác dân số, đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động; tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng; chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền; lợi thế cơ cấu dân số vàng chưa được phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, thực trạng mang thai, phá thai ở tuổi vị thành niên vẫn ở mức cao…
Trước những thách thức đó, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững".
Tại buổi tập huấn cung cấp nội dung truyền thông về các vấn đề mới tại Nghị quyết số 21-NQ/TW cho phóng viên và các cộng tác viên báo chí do Tổng cục Dân số phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức 2 ngày 10-11/10, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh: Nghị quyết 21 có thể coi là Nghị quyết về Dân số và Phát triển. Đây là văn bản hết sức quan trọng. Tinh thần và nội dung của Nghị quyết là kim chỉ nam cho công tác dân số ở nước ta từ nay về sau, đưa chính sách dân số sang một trang phát triển mới.
Mục tiêu của Nghị quyết tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết số 21 đã yêu cầu và chỉ rõ những biện pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số... Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới.
Đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển
Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho rằng, để Nghị quyết 21 phát huy hiệu quả một cách tốt nhất góp phần nâng cao chất lượng dân số, một giải pháp cần được triển khai đồng bộ tại các địa phương là đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần triển khai sớm và đổi mới cả về nội dung và phương pháp thực hiện.
Theo đó, nội dung công tác truyền thông cần tập trung vào các trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con", bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao; đổi mới toàn diện, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, tạo phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực người Việt Nam.
Để các thông điệp truyền thông có hiệu quả, cần chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ dân số thông qua đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách Dân số và Phát triển. Đưa nội dung Dân số và Phát triển vào chương trình đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân…
Theo bà Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số), các loại hình truyền thông dân số cũng luôn phải đa dạng, đổi mới bằng các hình thức như: Truyền thông trực tiếp; truyền thông gián tiếp và truyền thông qua mạng lưới điện tử. Chẳng hạn, khi truyền thông về lợi ích của việc tầm soát trước sinh, sơ sinh, có thể truyền thông trực tiếp cho thanh niên, phụ nữ mang thai, người có nhu cầu tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng và ngay tại gia đình.
Bên cạnh đó, có thể áp dụng các hình thức truyền thông mang tính văn hóa, văn nghệ, các loại hình sân khấu để làm thay đổi các tập tục lạc hậu như kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống. Đồng thời, kết hợp truyền thông qua mạng xã hội, các hội nhóm, dòng họ để tạo áp lực giúp đối tượng nhận ra lợi ích của việc tầm soát này, từ đó thay đổi hành vi, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.
Mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra cho công tác dân số đến năm 2030 cụ thể như:
- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.
- Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.
- Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.
- Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Theo các chuyên gia, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên thực hiện truyền thông trong công tác dân số không chỉ cần có kiến thức về công tác dân số mà còn cần có hiểu biết sâu rộng, có kiến thức của nhiều ngành, nghề khác. Báo chí cần quan tâm đến việc sử dụng ngôn từ, tính toán đến những vấn đề nhạy cảm như bối cảnh, đối tượng tiếp nhận thông tin để tuyên truyền về công tác dân số một cách phù hợp, chính xác và hiệu quả.
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Nguồn tin: Theo gia đình net
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn