Đang truy cập : 19
Hôm nay : 1194
Tháng hiện tại : 12670
Tổng lượt truy cập : 7184961
Đề án Bệnh viện Vệ tinh và Đề án 1816 góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: T.L
Tỷ lệ nằm ghép giảm đều từ tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh
Sau 5 năm thực hiện đổi mới quản lý chất lượng bệnh viện, kết quả đạt được thấy rõ nhất ở tỷ lệ nằm ghép giảm đều từ tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh. Tại bệnh viện tuyến Trung ương năm 2012 tỷ lệ nằm ghép chiếm 58% thì nay chỉ còn 16,7%. Bệnh viện tuyến tỉnh 47% nằm ghép năm 2012 thì đến 2018 chỉ còn 11,4%. Mức chất lượng bệnh viện toàn quốc theo 83 tiêu chí cải thiện rõ rệt, một số bệnh viện bước đầu có uy tín, được người nước ngoài lựa chọn.
Tuy nhiên bên cạnh những việc đã làm được, các bệnh viện vẫn còn mắc nhiều hạn chế, cụ thể vẫn còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép trong vòng 24 giờ, tình trạng quá tải khoa khám bệnh ở một số bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối trong khi bệnh viện tuyến dưới lại không có bệnh nhân. Hiện tượng chuyển tuyến, chuyển viện còn khá cao, thời gian nằm viện một số chuyên khoa chưa giảm; chưa thực sự thu hút người nước ngoài, người Việt Nam khám chữa bệnh trong nước (ước tính khoảng 40.000 lượt người ra nước ngoài chữa bệnh, chi phí hơn 2 tỷ USD), tình trạng nhiễm khuẩn chéo bệnh viện, kháng kháng sinh, an toàn bệnh nhân vẫn chưa thực sự được lưu tâm.
Để khắc phục những tồn đọng, các giải pháp đã được ban hành bao gồm Quyết định 92/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giảm quá tải bệnh viện; Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1816/QĐ-BYT năm 2008 về Đề án luân phiên cán bộ, Quyết định 774/QĐ-BYT năm 2013 về Đề án bệnh viện vệ tinh, Quyết định 6858/QĐ-BYT năm 2016 xây dựng tiêu chí chất lượng bệnh viện dựa trên kinh nghiệm quốc tế. Bộ Y tế đã ban hành một loạt các thông tư, văn bản về an toàn, xét nghiệm, chống nhiễm khuẩn, kháng kháng sinh, dinh dưỡng, tiết chế, chống nhiễm khuẩn…
Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật
Giải pháp sắp tới cần làm là thực hiện Đề án tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025" theo Quyết định 1718/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế; Đề án giảm người Việt Nam khám chữa bệnh và thu hút người nước ngoài khám chữa bệnh ở Việt Nam.
Đặc biệt phải thực hiện việc chăm sóc toàn diện, thu hút được bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến dưới. Thực hiện hiệu quả mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để người dân được quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh ngay tại tuyến xã, phường. Tiếp tục thực hiện 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện, phát triển cơ sở hạ tầng bệnh viện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân.
Việc xây dựng Đề án đổi mới hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh chính là để thực hiện Chương trình Hành động của Bộ Y tế triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Dựa trên quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20-NQ/TW là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Năm 2020: Xóa tình trạng quá tải bệnh viện
Theo Bộ Y tế, sau 5 năm thực hiện "Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020" với mục tiêu từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện; trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa: Ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch; sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội và TP HCM; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh... đến nay ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hiện số giường bệnh kế hoạch đã tăng lên đáng kể sau khi triển khai Đề án nói trên. Cụ thể, số giường bệnh kế hoạch là 29.524 giường, trong đó số giường bệnh tại tuyến Trung ương tăng 4.980 giường, số giường bệnh tại tuyến tỉnh, thành phố tăng 11.279 giường; tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường. Số giường bệnh theo thống kê thực tế là 56.501 giường, tuyến Trung ương tăng 8822 giường, tuyến tỉnh và thành phố tăng 24.290 giường, tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành Y tế sẽ phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện với một số chỉ số cơ bản như: 100% bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 giờ hoặc sau 48 giờ nhập viện. Cố gắng đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải bệnh viện; 100% các tỉnh đều có bệnh viện tuyến tỉnh tham gia trong Đề án bệnh viện vệ tinh và được chuyển giao kỹ thuật theo nhu cầu thực tế của địa phương.
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Nguồn tin: Theo gia đình net
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn