Đang truy cập : 9
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 8
Hôm nay : 919
Tháng hiện tại : 151217
Tổng lượt truy cập : 6795971
Chị Mai tên đầy đủ là Nguyễn Thị Mai là CTV của ấp gắn bó với công việc này từ năm 1998, với 13 năm gắn bó công tác này đối với chị vui có, buồn có, gian khó khăn có nhưng có tâm huyết, lòng nhiệt tình với nghề nên chị đã vượt qua đựơc khó khăn trong công việc. Chị tâm sự: “chị làm công tác này chỉ mong góp phần công sức nhỏ bé của mình vào việc chăm lo sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ trong ấp của mình mà thôi, làm cho họ đỡ khổ hơn vì việc sinh con nhiều ”, chị cũng tâm sự trong những năm gắn bó với công tác này chị gặp không ít khó khăn vì “chị em ở nơi đây còn nghèo và vất vả lắm, đa số chị em không đươc học hành, không biết chữ nên nhận thức còn kém, chủ yếu là làm nương rẫy nên bà con ở đây muốn sinh thật đông con, có thật nhiều lao động để làm rẫy”. Nhưng vì sự nhận thức của người dân ở nơi đây còn thấp nên dù có khó khăn mấy trong công việc chị vẫn không nản lòng, để quản lý một địa bàn như ấp Tằng Hách xã An Phú thì không phải dễ dàng chút nào, với 275 hộ (trong đó 154 hộ là dân tộc thiểu số), dân số là 1.265 người đa số là đồng dân tộc sinh sống chiếm gần 60% dân số của ấp, lại là ấp có mặt tiếp giáp với biên giới Camphuchia tình hình dân đến và đi biến động liên tục nên gây khó khăn trong công tác quản lý, hơn nữa địa bàn ấp lại rộng mà chỉ có 1 mình chị vậy mà năm nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vì vậy với những năm tháng công hiến cho công tác Dân số - KHHGĐ ở địa phương chị đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen và gần đây nhất chị đã được nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Dân số. Đến thăm chị vào một ngày tháng 7/2011, gặp anh chị em trong đoàn chị hồ hởi khoe về những niềm vui trong quá trình làm công việc này, khi hỏi chị có gặp khó khăn gì không trong quá trình tuyên truyền vận động, chị bảo: “ khó khăn thì nhiều nhưng mình đều làm được hết vì công việc đó là chăm lo cho sức khỏe chị em phụ nữ, giúp họ đỡ khổ hơn, có sức khỏe hơn để làm kinh tế gia đình tránh tình trạng đói nghèo xảy ra” đặc biệt trong công tác Dân số - KHHGĐ chị kể có những lúc mình đi vận động người dân sinh ít con, khoảng cách giữa các lần sinh con thì người ta bảo “tui sinh kệ tui mắc mớ gì tới bà”, lại có người nói chị “ăn cơm nhà vác tù bà hàng tổng”, “đi triệt sản về người mệt mỏi không làm được việc”… những lúc như vậy chị buồn lắm, buồn vì dân không hiểu mình, không hiểu được chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước. Nhưng cũng không vì thế mà chị nản lòng, buông xuôi công việc mà mình đã theo đuổi đã cống hiến trong suôt thời gian qua, càng khó khăn, càng gian khổ thì chị càng cố gắng hơn nữa. Ở ấp ngoài công việc là CTV dân số chị còn tham gia vào công tác phụ nữ, hội chữ thập đỏ…dù tham gia với công việc nào chị cũng làm với sự nhiệt tình của mình, do ấp Tằng Hách là một địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, đường xá sình lầy đi lại trơn trượt té lên té xuống, vậy mà bao năm qua chị vẫn gắn bó với nghề mặc dù thù lao cho một CTV ở thôn, ấp chẳng là bao nhiêu, nhưng cũng từ đó cũng cho thấy được tấm lòng của chị đối với nghề và đối với người dân nơi đây thật thiết tha. Chị nói: để làm được công tác này thì cũng phải kể đến sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng chính quyền địa phương và sự ủng hộ động viên, thấu hiểu chia sẻ của gia đình đặc biệt là chồng và các con luôn tán thành công việc của chị làm. Chị luôn là tấm gương tiêu biểu trong mọi công việc, là người vợ hiền, người mẹ gương mẫu và chu đáo trong gia đình. Sự động viên của gia đình là một động lực rất lớn để chị góp sức nhiều hơn nữa cho công tác xã hội.
Chính vì thế mà không khó gì khi đến ấp Tằng Hách chỉ cần hỏi chị Mai CTV dân số thì mọi người đều biết và trong đó có rất nhiều gia đình trong ấp muốn gửi đến chị lời cám ơn chân thành vì chị đã tuyên truyền vận động công tác Dân số - KHHGĐ và hướng dẫn họ trong việc sinh đẻ có kế hoạch, góp phần phát triển kinh tế. Điển hình là gia đình anh chị Điểu Thành, Phan Thị Thảo anh chị kết hôn khi tuổi vẫn còn trẻ và sinh con ngay khi đó gia đình anh chị rất khó khăn thì chị Mai đã đến tuyên truyền vận động và giải thích để anh chị hiểu hơn về các BPTT. cách sử dụng, anh chị đã chấp nhận áp dụng BPTT để lo làm ăn kinh tế, khi gia đình đã dần ổn định thì anh chị quyết định sinh cháu thứ 2 nên bây giờ kinh tế gia đình anh chị đã thuộc loại khá giả trong ấp. Khi nhắc đến chị Mai thì không thể không nhắc tới 1 một gia đình mà chị Mai đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để tuyên truyền vận động, thuyết phục vợ chồng anh chị Điểu Giang và Thị Tư thực hiện triệt sản, anh chị Giang kết hôn sớm, lại có nhiều con, dù mới 39 tuổi nhưng chị Tư đã sinh 5 cháu, khoảng cách giữa các lần sinh các cháu rất dày nên sức khỏe của chị suy yếu, cơ thể xanh xao, gầy gộc nền kinh tế gia đình 8 người ăn (có 1 mẹ già) phụ thuộc hết vào lao động chính là anh Giang, nên kinh tế gia đình vô cùng khó khăn và được xét vào diện nghèo của xã. Chị Mai cho biết lúc đầu chưa thực hiện triệt sản sức khỏe của chị Tư cũng không tốt lắm hay đau yếu, gầy gò nhưng từ khi đi triệt sản về thì sức khỏe của chị Tư đã đỡ hơn nhiều, khi vận động được và đưa chị Tư đi triệt sản thì chị Mai cũng đưa đi tận nơi chăm sóc con cái thay cho chị Mai (vì lúc đó em bé nhà chị Mai mới được 6 tháng tuổi). Qua đó cho ta thấy được tấm lòng của người CTV dân số luôn quan tâm và chăm sóc cho mọi đối tượng mà chị tư vấn vận động, bằng cách khóe léo chị giải thích thuyết phục bà con nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ biết được cái đói cái nghèo không được học hành đến nơi đến chốn vì đông con, việc KHHGĐ không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình mà còn mang lại sức khỏe cho mọi người. Đó là những công việc thầm lặng, những công việc không tên mà chị Mai và nhiều CTV vẫn đang mệt mài tháng ngày để gắn bó với công việc đó: “công tác Dân số - KHHGĐ”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn