Chứng hôi chân là do tuyến mồ hôi trong cơ thể bài tiết quá nhiều, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, các vi khuẩn phân hủy cư trú ở ngay lớp tế bào sừng, khi mồ hôi tiết ra nhiều làm lớp tế bào sừng ngoài cùng luôn bị thấm đẫm trong mồ hôi, các tế bào này càng bị ngâm trong mồ hôi lâu thì các vi khuẩn phân hủy càng hoạt động mạnh, làm thoát ra mùi hôi. Có nhiều cách để hạn chế mùi hôi chân, dưới đây là những cách đơn giản trị chứng hôi chân.
- Trà mạn 100g, hãm với 2 lít nước sôi, để ấm ngâm chân hàng ngày. Mỗi ngày ngâm khoảng 20-30 phút. Thời điểm ngâm tốt nhất vào buối sáng. Lượng a-xít tanic trong trà sẽ giết chết vi khuẩn và làm se khít lỗ chân lông, giúp chân khô và khử mùi hôi.
- Củ cải trắng tươi 50g (khô 30g), rửa sạch thái lát mỏng, cho vào nồi, đổ lượng nước vừa đủ. Để lửa to đun sôi trong 3 phút, sau đó nhỏ lửa trong 5 phút bắc ra, để nguội ngâm chân hàng ngày, mỗi lần ngâm khoảng 20 phút nên ngâm chân vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Muối tinh 5g, gừng tươi 20g. Gừng tươi rửa sạch, thái lát mỏng. Gừng thái lát đun với 1 lít nước, sôi khoảng 5 phút bắc ra cho muối vào. Để ấm ngâm chân trong khoảng 10 phút. Ngày thực hiện 2 lần vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Thực hiện trong 7-10 ngày. Bài thuốc này không chỉ giúp khử mùi hôi, mà còn có thể tiêu trừ mệt nhọc, đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu.
- Lá sung tươi 200g, rửa sạch đun với nước trong khoảng 10 phút, đợi nước đủ ấm, dùng ngâm chân trong 15 phút. Mỗi ngày 2 lần, thông thường 3-5 ngày sẽ hết mùi hôi.
- 50g phèn chua, tán thành bột, xoa lên lòng bàn chân trong 10 phút vào buổi sáng. Làm liên tục khoảng 5-7 ngày chân sẽ không bị ra mồ hôi gây mùi khó chịu.
- Lá lô hội tươi, rửa sạch, vò lấy chất nhờn từ lá lô hội xoa lên lòng bàn chân rồi để khô tự nhiên có tác dụng trị mùi hôi rất tốt. Mỗi lần dùng 1 lá cho 1 chân. Mỗi tuần làm 2-3 lần.
Cây lô hội
- Ngâm chân vào chậu nước ấm đã pha thêm giấm. Để tăng thêm hiệu quả, cho thêm vài giọt tinh dầu cỏ xạ hương vào chậu nước. Loại tinh dầu này có khả năng khử trùng mạnh mẽ nên sẽ tiêu diệt tận gốc những vi khuẩn gây mùi. Ngâm chân từ 15 - 20 phút, mỗi tuần một lần.
Lưu ý: Nếu chân có tổn thương hở hoặc vùng da bị tổn thương không được áp dụng các phương pháp trên. Khi chân có mùi hôi ngày càng nặng do lở loét, nấm, viêm da... nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị thích hợp. Để phòng chứng hôi chân, cần giữ gìn vệ sinh bàn chân sạch sẽ, giữ da luôn khô ráo, thông thoáng, thường xuyên thay tất và đi các loại giày, dép thoáng khí...