HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH "LÀM GIẢM TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG"
Thứ ba - 05/04/2016 10:28
HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH “ CAN THIỆP GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG”
Trong những năm gần đây, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Trong năm 2012 Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh được Trung ương triển khai đề án “ Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông” được triển khai tại 02 huyện Bù Đăng và Hớn Quản.
Đề án Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Bình Phước được triển khai tại xã: An Khương – huyện Hớn Quản và xã Đặk Nhau – huyện Bù Đăng, đây là 02 xã vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông ( chiếm hơn 50% dân số), là những xã cách xa trung tâm huyện, đường xá đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung, trình độ dân trí thâp, có nhiều phong tục tập quán lạc hậu như: Tục lấy vợ lấy chồng sớm, tục kết hôn trong họ tộc.
Thực tế cho thấy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số và nguồn lực. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân và cũng chính là hậu quả của sự nghèo đói, sự phát triển thiếu toàn diện.
Những năm qua mô hinh đã thật sự đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã phần nào được ngăn chặn, tiếp tục phát huy hiệu quả của Mô hình năm 2015 đã tổ chức tư vấn cho 121 cặp vợ chồng đến đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh, tuyên truyền và tư vấn thành công cho 08 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn ( 05 xã Đặk Nhau, 03 xã An Khương) và 01 trường hợp có dấu hiệu kết hôn cận huyết thống ( xã An Khương) ngừng kết hôn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền luật hôn nhân và gia đình, nguy cơ và hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Việc khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cũng được đẩy mạnh, trong năm đã tư vấn cho 67 cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn, tuyên truyền vận động 32 cặp đến các cơ sở y tế tuyến trên để được khám và tư vấn sức khỏe theo quy định, tại 02 xã triển khai mô hình đã thành lập được 03 câu lạc bộ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với 126 hội viên tham dự. Ban Dân số- KHHGĐ 02 xã đã thực hiện 9 buổi nói chuyện chuyên đề về đề tài tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với hơn 400 lượt người tham gia. Ngoài sinh hoạt câu lạc bộ và tổ chức nói chuyện chuyên đề đội ngũ tình nguyện viên của 02 xã đã đi tuyên truyền tư vấn tại hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên, các gia đình có nguy cơ kết hôn cận huyết thống cao.
Từ những thành công bước đầu trong việc triển khai mô hình “ Can thiếp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ở Bình Phước đã cho thấy việc tuyên truyền sâu rộng, kịp thời những tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tới đồng bào dân tộc thiểu số là điều rất cần thiết, nhằm đẩy lùi tình tạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc.
Tác giả bài viết: Bích Tuyển
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền