Vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc Chiến dịch tăng cường

Có thể nói Chiến dịch tăng cường tuyên truyền lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần tích cực trong công tác ổn định dân số đồng thời nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, đây thực sự là nền tảng cần thiết trong việc hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số
Quang cảnh Hội nghị tổng kết Chiến dịch năm 2013
. Bởi lẽ, để nâng cao chất lượng dân số, bên cạnh những hoạt động triển khai thực hiện các mô hình, đề án như khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh… thì việc triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ được tổ chức hàng năm luôn có tác động rất lớn, tạo được dấu ấn đậm nét trong các tầng lớp nhân dân và góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân về dân số/SKSS/KHHGĐ.
Xác định được tầm quan trọng đó, tỉnh Bình Phước quyết tâm thực hiện chiến dịch năm 2013 một cách quyết liệt và đạt được những kết quả đáng mừng.
 Khó khăn chồng chất
Nằm trong bối cảnh chung của cả nước, công tác DS-KHHGĐ của Bình Phước năm 2013 nói chung và Chiến dịch nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, chiến dịch tăng cường năm 2013 diễn ra muộn so với tiến độ trung ương đề ra (tháng 4/2013), đồng thời quy mô nhỏ (chỉ 40 xã) và kế hoạch chiến dịch có sự thay đổi trong việc cơ quan ban hành cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham mưu, chỉ đạo điều hành trong chiến dịch.
Thứ hai, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia mặc dù đã được phê duyệt nhưng duyệt muộn. Tính tới thời điểm triển khai chiến dịch kinh phí đã được duyệt nhưng việc rút kinh phí về triển khai thực hiện tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy để có kinh phí thực hiện, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thị xã phải linh động vay mượn để triển khai chiến dịch.
Thứ ba, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân số kế hoạch hoá gia đình ở cơ sở không chỉ thấp mà còn chưa được giải quyết đúng theo quy định, làm giảm lòng nhiệt tình của những cộng tác viên dân số. Toàn tỉnh hiện có 111 cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ cấp xã và 1.661 cộng tác viên thôn ấp. Đây là những người có vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của công tác DS/KHHGĐ cơ sở. Thù lao cho đội ngũ cộng tác viên không những thấp (150.000đồng/CTV/tháng; trong đó: 100.000đ/CTV/tháng từ ngân sách CTMT và 50.000đ/CTV/tháng từ ngân sách địa phương hỗ trợ) mà tính tới thời điểm triển khai chiến dịch vẫn chưa có.
Bên cạnh đó, trong những năm trước đây, ngoài thù lao hàng tháng trong các đợt chiến dịch tăng cường đội ngũ này còn được ngân sách địa phương hỗ trợ xăng xe trong suốt gần 02 tháng triển khai chiến dịch bình quân khoảng 100.000đồng/CTV nhưng năm nay nguồn kinh phí này cũng bị cắt. Điều này cũng là một trong những nhân tố gây ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả triển khai Chiến dịch tại các địa phương…
Thứ tư, việc đáp ứng các gói dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn do các huyện thiếu cán bộ cung cấp dịch vụ triệt sản như: Đồng Phú, Hớn Quản, Bù Gia Mập…
Thứ năm, định mức kinh phí thực hiện chiến dịch quá thấp cũng là một trong những khó khăn gây cản trở cho việc hoàn thành tốt chỉ tiêu của kế hoạch đề ra. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, Trung ương đã cắt nguồn kinh phí điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản nên số lượng các đối tượng đến với Chiến dịch bị hạn chế.
Những khó khăn, thử thách trên tưởng chừng sẽ là “rào cản” ngăn bước chân của những người làm công tác dân số nhưng với tinh thần nhiệt tình, lòng quyết tâm và ý chí vượt lên mọi khó khăn gian khổ của người dân Bình Phước đã đem lại những kết quả đáng mừng cho chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ năm 2013.
Những kết quả đáng mừng
Mặc dù Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2013 diễn ra trong bối cảnh gặp không ít khó khăn, song với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo đảng, chính quyền từ tỉnh, huyện đến các xã phường, thôn xóm và sự trực tiếp chỉ đạo của Sở Y tế, đội ngũ làm công tác Dân số - KHHGĐ đã chủ động khắc phục khó khăn, tích cực phối hợp với các Ban ngành, đoàn thể tại địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành chỉ tiêu.
Để chiến dịch đạt hiệu quả cao, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thị xã đã cử các cán bộ về tận các cụm dân cư để tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về SKSS/KHHGĐ. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng có tính quyết định đến thành công của chiến dịch là ngành Dân số đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền thực hiện quyết liệt chính sách, chủ trương về Dân số - KHHGĐ cũng như vận động được sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính đầu tư cho chiến dịch.
Với những việc làm thiết thực trên, chiến dịch đã đạt được những kết quả khá cao. Chiến dịch năm 2013 đã triển khai ở 40 xã đông dân, có mức sinh cao và xã khó khăn. Toàn tỉnh có 22.545 trường hợp được khám phụ khoa (đạt 129% kế hoạch. Ngoài ra còn phát hiện, tư vấn điều trị cho 5.962 ca viêm nhiễm đường sinh sản, trong đó có 75 ca được tư vấn chuyển tuyến điều trị; 93 trường hợp tự nguyện thực hiện triệt sản đạt 143%; 3.293 trường hợp đặt dụng cụ tử cung, đạt 146%; 120 trường hợp cấy thuốc tránh thai đạt 109%; 2.534 trường hợp tiêm thuốc tránh thai đạt 136%; 17.792 cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tranh thai hiện đại, đạt 138% chỉ tiêu kế hoạch.
 Tuy còn đó những khó khăn, thử thách nhưng những kết quả đáng mừng của chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ năm 2013 đã trở thành yếu tố để những người làm công tác dân số tỉnh Bình Phước vững tin vào việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm cũng như trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Thuý Liễu