Việt Nam phấn đấu tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm, riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 180.000 bị nhiễm viêm gan vi rút B, 13.000 trẻ bị nhiễm giang mai và 1.400 trẻ bị nhiễm HIV trong khi những bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản (như: xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng cho trẻ sau sinh). Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới,
Việt Nam phấn đấu tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai  lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030
điều quan trọng là việc dự phòng 03 bệnh này đều dựa trên các giải pháp can thiệp tương tự và được triển khai thực hiện trên các đối tượng là bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh tại các cơ sở cung cấp dịch vụ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực, dịch vụ dự phòng và kiểm soát HIV/AIDS, giang mai và viêm gan B vẫn được thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống, chương trình ngành dọc, thiếu sự phối hợp liên kết cần phải có giữa các hệ thống như: chăm sóc sức khỏe sinh sản, y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, da liễu, truyền nhiễm... Chính việc cung cấp dịch vụ theo ngành dọc đồng thời thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ là rào cản, hạn chế bà mẹ và trẻ sơ sinh tiếp cận dịch vụ, gây lãng phí nguồn lực cũng như làm hạn chế kết quả các can thiệp...
Lây truyền HIV từ mẹ sang con
 Hàng năm, Việt Nam có khoảng 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,19% thì mỗi năm ở nước ta có hơn 3800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV.  Nếu không can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30 – 40% sẽ có khoảng 1.140 – 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV.
Từ năm 2016, các can thiệp về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản trong triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trước và trong thời gian mang thai còn thấp (38,5%), thấp hơn so với số phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trong khi chuyển dạ (57,6%), vẫn còn 3,9% phụ nữ đẻ chưa được xét nghiệm sàng lọc HIV.
Lây truyền vi rút viêm gan B (HBV) từ mẹ sang con
Theo Bộ Y tế, Việt Nam có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm phụ nữ mang thai khoảng 10 – 20%. Lây truyền HBV trong quá trình chuyển dạ và khi đẻ là nguyên nhân phổ biến trong cơ chế lây truyền HBV từ mẹ sang con. Viêm gan B là một trong 2 loại viêm gan do vi rút có gánh nặng lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư và xơ gan, gây ra tới 80% tổng các ca ung thư trên thế giới.
Chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm vác xin viêm gan B và liều vác xin cho trẻ sơ sinh trên toàn quốc với 10% số huyện từ năm 2003. Tỷ lệ tiêm viêm gan B mũi 3 đạt trung bình trên 94% giai đoạn 2014 – 2018, tỷ lệ tiêm vác xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh cũng đang tăng dần, đến cuối năm 2017 đạt mức 76,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn không đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, một số tỉnh có tỷ lệ thấp dưới 50%. Ngoài ra, do việc tiêm kháng huyết thanh viêm gan B cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm vi rút viêm gan B và điều trị thuốc kháng vi rút cho phụ nữ có tải lượng vi rút viêm gan B chưa được đưa vào hướng dẫn quốc gia về điều trị viêm gan B tại các cơ sở y tế. Giá thành của huyết thanh còn cao. Bên cạnh đó, xét nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan B cho phụ nữ mang thai chưa được coi là xét nghiệm thường quy trong gói chăm sóc trước sinh cũng như chưa có những hướng dẫn của Bộ Y tế về việc kiểm soát nhiễm vi rút viêm gan B cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Lây truyền giang mai từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh giang mai sẽ lây truyền cho thai nhi qua đường máu gây dị tật bẩm sinh ở trẻ. Hiện nay, tỷ lệ mắc giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Tỷ lệ phụ nữ có thai được xét nghiệm sàng lọc sớm giang mai chỉ khoảng 15,9%. Phụ nữ mang thai nếu được xét nghiệm sàng lọc càng sớm càng tốt để được điều trị sớm và giảm thiểu lây truyền cho con.
Trước thực trạng và những thách thức trên, được sự hỗ trợ của Tổ chức Liên hợp quốc (WHO, UNICEF, UNAIDS), Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch hành động Quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018 – 2030” (theo Quyết định 7130/QĐ-BYT ngày 29/11/2018). Mục tiêu là tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030.
          Mục tiêu của kế hoạch là chỉnh sửa và phê duyệt các nội dung liên quan đến dự phòng lây truyền mẹ con trong Luật Phòng chống HIV/AIDS; các can thiệp loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con được đưa vào Chương trình  mục tiêu Y tế - Dân số; chỉnh sửa, xây dựng và phê duyệt các hướng dẫn, qui trình chuyên môn về dự phòng lây truyền 03 bệnh này từ mẹ sang con... Đảm bảo cho người dân đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em, trẻ sơ sinh được tiếp cận với các dịch vụ , can thiệp loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ sang con một cách liên tục và có chất lượng. Kế hoạch tập trung vào các giải pháp chính là: Tăng cường truyền thông và tuyên truyền vận động; đảm bảo tài chính, đổi mới phương thức chi trả; đảm bảo sự sẵn có và tăng cường chất lượng các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị cho bà mẹ, trẻ em. Đồng thời, xây dựng và đưa việc tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B, và giang mai vào gói dịch vụ chăm sóc trước sinh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, các chương trình liên quan trong việc triển khai, giám sát, theo dõi cũng như đánh giá các can thiệp 3 bệnh nói trên, nhằm tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững cũng như mục tiêu của Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vị thành niên giai đoạn 2016-2030.

Tác giả bài viết: Đỗ Hoa

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD