Việt Nam 90 triệu người - Cơ hội và thách thức

Năm 1961, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 216 - CP ngày 26/12 về việc “sinh đẻ có hướng dẫn”. 52 năm qua, công tác dân số vẫn luôn được coi là một vấn đề của quốc gia. Dân số Việt Nam tính đến ngày 1/11/2013 đạt 90 triệu người, đây cũng là mốc để đánh giá việc thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Theo Chỉ tiêu 2 của Chiến lược, qui mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015 và 98 triệu người vào năm 2020. Với việc đạt 90 triệu người vào tháng 11/2013, dân số trung bình của năm 2015 sẽ vào khoảng dưới 91,5 triệu người, thấp hơn gần 1,5 triệu. Với số dân 90 triệu người, dân số thành thị chiếm 32,3% và dân số nam chiếm 49,5% tổng dân số. Vùng có quy mô dân số lớn nhất là Đồng bằng sông Hồng, chiếm 22,8% tổng số dân, trong khi diện tích đất chỉ có 6,9%. Tiếp đến là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 21,8%, diện tích đất chiếm lớn nhất với 29,0%. Tây Nguyên là vùng có số dân ít nhất với tỷ lệ 6,0 %, nhưng diện tích đất chiếm 16,5%.
Lịch sử phát triển dân số Việt Nam   
Từ năm 1921-1931, tốc độ phát triển của dân số Việt Nam dao động với sự khác biệt lớn. Trong gần 5 thập kỷ từ 1943-1989, dân số Việt Nam tăng nhanh với tỷ lệ phát triển 2%-3%. Đặc biệt cao nhất là vào đầu những năm 1960 với tỷ lệ phát triển dân số gần 4%. Từ đầu những năm 1990, việc thực hiện chính sách dân số được tăng cường (Nghị quyết TW 4 khóa 7 năm 1993), tỷ lệ phát triển dân số Việt Nam giảm nhiều và mức độ tăng qui mô dân số được cải thiện rõ rệt, góp phần  phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn từ 1993 đến nay.
    Dân số Việt Nam, 1921-2012
 
Năm Dân số (triệu người) Tỷ lệ phát triển (%)
1921 15,584 -
1926 17,100 1,86
1931 17,702 0,69
1943 22,150 3,06
1960 30,172 3,93
1970 41,063 3,24
1979 52,742 2,16
1989 64,412 2,10
1999 76,597 1,51
2009 86,025 1,06
2012 88,773 1,06
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Số liệu Thống kê Việt Nam, 1930-1980; Số liệu CHXHCN Việt Nam, 1976-1989; Tổng điều tra dân số và nhà ở 1979-2009; Niên giám Thống kê 2012.  
 
Giảm sinh, xây dựng gia đình ít con
       
Năm 1960 trung bình mỗi phụ nữ 15-49 tuổi  sinh 6,4 con. Năm  2002, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 4 về chính sách dân số, mức sinh giảm xuống 2,28 con. Năm 2006, Việt Nam đã  đạt được mức sinh thay thế (2,1 con/ phụ nữ) và mức sinh này đã được duy trì cho đến nay. Đây là một điều kiện tất yếu để ổn định mức sinh trong tương lai.
   
Tổng tỷ suất sinh, 2001-2012
Số con trung bình/phụ nữ 15-49 tuổi

      
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009; Điều tra biến động DS-KHHGĐ 2001-2012.
 
Sự thay đổi số con trung bình của một phụ nữ (TFR) của Việt Nam thời kỳ 2001-2012 giảm từ 2,23 con/phụ nữ năm 2004 xuống còn 2,06 con/phụ nữ năm 2012. TFR giảm mạnh, ở dưới mức sinh thay thế là thành công quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đầu tiên của Chiến lược dân số và kế hoạch hoá gia đình 2001-2010.
 
Năm 2012, số người bình quân một hộ là 3,7 người, của thành thị là 3,6 người và nông thôn là 3,8 người. Quy mô hộ của dân số Việt Nam liên tục giảm, năm 2001, 2003, 2005 và 2006 tương ứng là 4,5 người, 4,4 người, 4,3 người và 4,1 người. Theo điều tra năm 2010, 2011 số đó tiếp tục giảm xuống còn 3,8 người. Đồng bằng sông Hồng có số người bình quân một hộ thấp nhất trong cả nước (3,5 người). Vùng có số người bình quân một hộ cao nhất là Tây Nguyên (4,0 người). Gia đình ít con (có từ 4 người trở xuống) là hiện tượng phổ biến ở nước ta (73,9%), nhất là ở khu vực thành thị (76,7%).
Mức độ sinh của Việt Nam đã thấp hơn so với mức sinh trung bình của các nước Đông Nam Á (TFR của khu vực là 2,3 con/phụ nữ). TFR của Việt Nam chỉ cao hơn hai nước Đông Nam Á là Xin-ga-po (1,2 con/phụ nữ) và Thái Lan (1,6 con/phụ nữ), nhưng thấp hơn nhiều so với các nước còn lại trong khu vực. Điều này cho thấy cuộc vận động xây dựng gia đình sinh ít con để nuôi dạy cho tốt đã thực sự đi vào cuộc sống.
 
Cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động dồi dào
          Việt Nam đã có được cơ cấu dân số “vàng” từ 2007. Giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” sẽ kéo dài trong khoảng 30-35 năm. Cơ cấu dân số “vàng” tức là ít nhất có 2 người trong tuổi lao động “nuôi” 1 người trong độ tuổi phụ thuộc, như vậy có đông lực lượng lao động, ổn định nguồn nhân lực, chăm sóc được người cao tuổi và trẻ em, Quỹ bảo hiểm xã hội cũng cân bằng được. Bộ Y tế và các Bộ, ngành khi xây dựng Luật Dân số, cần các chính sách, giải pháp để phát huy hiệu quả giai đoạn cơ cấu dân số “vàng”.
          
                                       Tỷ số phụ thuộc, 1989-2012
Đơn vị tính: Phần trăm
Tỷ số phụ thuộc 1989 1999 2009 2010 2011 2012
Tỷ số phụ thuộc trẻ em (0-14) 69,8 54,2 35,4 36,1 34,9 34,6
Tỷ số phụ thuộc người già (65+)  8,4   9,4   9,3    9,9 10,1 10,3
Tỷ số phụ thuộc chung 78,2 63,6 44,7 46,0 45,0 44,9
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009; Điều tra biến động DS-KHHGĐ 2001-2012.
 
Các tỷ số phụ thuộc phản ánh cơ cấu lực lượng lao động của một quốc gia. Tỷ số phụ thuộc chung (phần trăm dân số 0-14 tuổi và 65+ trên 100 người 15-64 tuổi) của Việt Nam giảm nhanh qua các năm từ 78,2% năm 1989 xuống 63,6% năm 1999 và 44,9% năm 2012. Sự giảm này chủ yếu là do tác động của công tác DS-KHHGĐ làm giảm tỷ lệ sinh dẫn đến tỷ số phụ thuộc trẻ em giảm mạnh. Điều này cho thấy gánh nặng đối với dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm và Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” với lực lượng lao động dồi dào.
          
Cải thiện sức khỏe, tuổi thọ trung bình tăng cao
         Thành tựu tiếp theo là tuổi thọ của người Việt Nam tăng đáng kể trong khi mức sống vẫn ở mức trung bình. Năm 1960, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 40 tuổi - bằng mức của  một số nước Châu Phi, nơi đang chịu tác động mạnh của dịch HIV/AIDS, đã tăng thêm 33 tuổi - 73 tuổi năm 2012. Đó là một thành tựu rất đặc biệt của Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh và nghèo khó kéo dài. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức mới đối với an sinh xã hội cho người cao tuổi. Hiện tại cứ 1 trẻ em dưới 6 tuổi thì có 1 người cao tuổi.
        
Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 39,2% năm 1989 xuống 23,9% năm 2012. Tuổi thọ trung bình của dân số ngày càng cao đã làm tỷ trọng người từ 65 tuổi trở lên tăng. Năm 1989, tỷ trọng những người từ 65 tuổi trở lên là 4,7%, tăng lên  6,4% năm 2009 và 7,1% năm 2012.
 
     Tỷ trọng dân số < 15 tuổi, 15-64 tuổi, 60+, 65+ và chỉ số già hóa, 1989-2012
                                                                                                                                             Đơn vị tính: Phần trăm
  1989 1999 2009 2010 2011 2012
Tỷ trọng dân số < 15 tuổi 39,2 33,1 24,5 24,7 24,0 23,9
Tỷ trọng dân số 15-64 tuổi 56,1 61,1 69,1 68,5 69,0 69,0
Tỷ trọng dân số 60+   7,1   8,0   8,7   9,4   9,9 10,2
Tỷ trọng dân số 65+   4,7   5,8   6,4   6,8   7,0   7,1
Chỉ số già hoá 18,2 24,3 35,5 37,9 41,1 42,7
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009; Điều tra biến động DS-KHHGĐ 2001-2012.
 
          Chỉ số già hoá (phần trăm dân số 60+ so với dân số 0-14 tuổi) tăng từ 18,2% năm 1989 lên 24,3% năm 1999 và đạt 42,7% năm 2012. Điều đó cho thấy xu hướng tuổi thọ dân số ở nước ta tăng khá nhanh trong hai thập kỷ qua.
 
Mức độ chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm đáng kể
           Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (số trẻ dưới 1 tuổi chết/1.000 trẻ sinh sống) giảm đáng kể, từ 21‰ năm 2003 xuống còn 15,8‰ năm 2012. Đây là thành tựu của chương trình DS-KHHGĐ và cũng là mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) mà Việt Nam đã thực hiện thành công.
 
   Tỷ suất chết trẻ em < 1 tuổi chia theo thành thị/nông thôn, 2005-2012
Số trẻ < 1 tuổi chết/1.000 trẻ sinh sống
Năm Toàn quốc Thành thị Nông thôn
2005 17,8 9,7 20,4
2006 16,0 10,0 18,0
2007 16,0 9,8 18,8
2008 15,0 10,0 15,0
2009 16,0 9,4 18,7
2010 15,8 9,2 18,2
2011 15,5 8,5 18,1
2012 15,4 8,9 18,8
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009; Điều tra biến động DS-KHHGĐ 2005-2012.
 
Có sự khác biệt lớn giữa các vùng, thành thị và nông thôn về mức chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR). Trung du và miền núi phía Bắc va Tây Nguyên có IMR khá cao (23,5%o và 26,4%). Ở khu vực thành thị, IMR giảm từ 17,8%o năm 2005 xuống 8,9%o năm 2012, trong khi mức này ở nông thôn giảm chậm và vẫn cao.  
 
Sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, giảm mức chết mẹ
         Tỷ suất chết mẹ (số phụ nữ chết do các biến chứng của mang thai và sinh đẻ trên 100.000 trẻ sinh sống) giảm từ 85/100.000 năm 2003 xuống 68/100.000 năm 2010. Sức khỏe sinh sản được cải thiện rõ rệt – một thành công của chính sách dân số của Việt Nam.         
        Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại năm 2012 đạt mức 66,6%. Trong đó, Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ở nông thôn cao hơn thành thị 5,2 điểm phần trăm (68,2% so với 63,0%), trong khi tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai truyền thống ở nông thôn thấp hơn thành thị 2,3 điểm phần trăm (8,9% so với 11,2%). Xu hướng này diễn ra trong suốt thập kỷ qua.
        
          Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai, 2002-2012
                                                                                                                                               Đơn vị tính: Phần trăm
Năm điều tra Tổng số Thành thị Nông thôn
Biện pháp tránh thai bất kỳ Biện pháp tránh thai hiện đại Biện pháp tránh thai bất kỳ Biện pháp tránh thai hiện đại Biện pháp tránh thai bất kỳ Biện pháp tránh thai hiện đại
2002 76,8 64,7 76,7 59,3 76,9 66,5
2003 75,0 63,3 72,5 56,4 75,8 65,6
2004 75,7 64,6 73,5 58,3 76,4 66,9
2005 76,9 65,8 74,9 59,7 77,6 67,9
2006 78,1 67,2 76,1 61,3 78,8 69,4
2007 79,0 68,2 77,3 62,9 79,6 70,1
2008 79,5 68,8 76,2 62,1 80,8 71,4
2010 78,0 67,5 76,0 63,3 78,8 69,2
2011  78,2  68,6 75,2 63,8 79,5 70,6
2012  76,2  66,6 74,2 63,0 77,2 68,2
Nguồn: 2002-2011: Tổng cục Thống kê, Điều tra biến độngDS-KHHGĐ 2002-2012.
So với năm 2006, tỷ lệ khám thai ít nhất 1 lần đối với lần sinh cuối của toàn quốc đã tăng thêm 5,1 điểm phần trăm. Trong đó, mức tăng ở nông thôn cao hơn thành thị (6,0 điểm phần trăm so với 1,7 điểm phần trăm), mặc dù tỷ lệ này ở thành thị cao hơn nông thôn. Tỷ lệ khám thai từ 3 lần trở lên đối với lần sinh cuối cao nhất ở Đông Nam Bộ (90,4%) và thấp nhất vẫn là  Trung du miền núi phía Bắc (59,1%). Chênh lệch giữa thành thị và nông thôn của tỷ lệ khám thai 3 lần trở lên là 17,5 điểm phần trăm (trong khi chênh lệch tương ứng của tỷ lệ khám thai 1 lần trở lên là 5,2 điểm phần trăm).
 
          Tỷ lệ khám thai của lần sinh cuối chia theo số lần khám thai, thành thị/nông thôn và vùng kinh tế - xã hội, 2006 và 2012
                                                                                                                                              Đơn vị tính: Phần trăm
Nơi cư trú/vùng kinh tế - xã hội 1/4/2006 1/4/2012 Mức tăng từ 2006-2012
1 lần trở lên 3 lần trở lên 1 lần trở lên 3 lần trở lên 1 lần trở lên 3 lần trở lên
Toàn quốc 89,1 60,3 94,2 79,2 5,1 18,9
Thành thị 96,1 78,4 97,8 91,4 1,7 13,0
Nông thôn 86,6 53,8 92,6 73,9 6,0 20,1
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Điều tra biến động DS-KHHGĐ 2006 và 2012.
 
Từ năm 2006 đến năm 2012, tỷ lệ khám thai từ 3 lần trở lên đã tăng lên đáng kể ở cả thành thị và nông thôn cũng như ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội, mức tăng đặc biệt cao ở các khu vực điều kiện kinh tế còn lạc hậu, kém phát triển và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế, đó là thành tựu nhưng cũng vẫn là những thách thức trong thời gian tới.     
 
Quan hệ giữa dân số và tăng trưởng kinh tế-xã hội
     Việc mỗi phụ nữ, từ chỗ sinh hơn 6 con đến nay chỉ sinh 2 con mang đến cả cơ hội và thách thức: Tốc độ tăng dân số đã được kiềm chế; xuất hiện cơ cấu dân số “vàng”; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm nhưng tỷ lệ béo phì tăng lên; mức chết bà mẹ và trẻ em dưới 1 tuổi giảm nhanh nhưng còn khác biệt giữa các vùng; già hóa dân số tăng và di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ… Những biến đổi này sẽ  ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của Việt Nam. Dưới đây là một số nét chính:
  • Tác động của biến đổi quy mô, cơ cấu dân số đến tăng trưởng kinh tế. Có thể đánh giá được tác động này qua công thức sau:
Tốc độ tăng GDP bình quân đầu người = Tốc độ tăng năng suất lao động + Tốc độ tăng lao động - Tốc độ tăng dân số
Có thể thấy mức sinh giảm đã đóng góp trung bình 1,19% vào tăng trưởng kinh tế hàng năm trong giai đoạn 1999-2009 và 0,2% giai đoạn 2009-2019. Tuy nhiên, nếu mức sinh tiếp tục giảm sâu, các hiện tượng đi kèm là già hóa dân số và lực lượng lao động tăng chậm, thậm chí giảm nên từ khoảng sau năm 2030 biến đổi quy mô dân số và dân số trong độ tuổi lao động sẽ mang lại tác động âm cho tăng trưởng kinh tế. Trong các năm 2001-2005, tỷ lệ gia tăng dân số giảm chậm, mức tăng thu nhập cũng chậm (từ 413 lên 642 USD/người), nhưng trong giai đoạn 2005-2010 tỷ lệ tăng trưởng dân số giảm nhanh, mức thu nhập cũng tăng nhanh (từ 642 lên 1.169 USD/người) và đưa Việt Nam thoát khỏi các nước nghèo và thuộc vào nhóm nước có thu nhập trung bình.
  • Giảm sinh dẫn đến giảm số trẻ trong độ tuổi đi học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và bình đẳng giới trong giáo dục. Mặc dù tỷ lệ đi học theo độ tuổi tăng lên nhưng số học sinh phổ thông giảm ở tất cả các cấp, cụ thể như sau:
 
  • Số học sinh tiểu học: “đỉnh điểm” là 10.223,9 ngàn (năm học 1998-1999) giảm xuống 6.731,6 ngàn (năm học 2008-2009).
  • Số học sinh trung học cơ sở: “đỉnh điểm” là 6.616,7 ngàn (năm học 2004-2005) giảm xuống 5.163 ngàn (năm học 2009-2010).
  • Số học sinh trung học phổ thông: “đỉnh điểm” là 3.075,2 ngàn (năm học 2006-2007) giảm xuống 2.754,21 ngàn (năm học 2011-2012).
Việc giảm hàng triệu học sinh phổ thông đã tháo gỡ áp lực dân số lên ngành giáo dục, tạo nhiều điều kiện để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Mặt khác, do ít con nên các gia đình có khả năng cho cả con trai và con gái đi học. Do đó, tỷ lệ nữ đi học ngày càng tăng lên và hiện đã ở mức ngang bằng với nam giới. Bình đẳng trong giáo dục là cơ sở vững chắc để phụ nữ năng cao năng lực và thực hiện bình đẳng toàn diện và đầy đủ.
  • Giảm tăng trưởng dân số và bảo vệ tài nguyên, môi trường
Điển hình về tài nguyên rừng. Năm 1943, diện tích rừng bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,64 ha/người. Đến năm 2009 chỉ còn 0,13 ha/người. Ước tính 75 % sự suy giảm này là do quy mô dân số tăng và 25% là do diện tích rừng giảm. Trong những năm cuối thế kỉ 20, nhờ các chính sách và biện pháp bảo vệ rừng và trồng mới, diện tích rừng tăng lên. Mặt khác, tỷ lệ tăng dân số đã giảm dần, vì thế, chỉ tiêu diện tích rừng bình quân đầu người từ năm 1995 đến năm 2009 không đổi.
Như vậy, mức sinh giảm, dân số dần ổn định đã ảnh hưởng không chỉ đến tăng trưởng kinh tế mà còn tác động cả đến sự tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển bền vững.
 Kết quả chuyển đổi toàn diện cơ cấu dân số Việt Nam
        Tháp dân số là bức tranh tổng quát phản ánh các nhóm dân số theo giới tính và tuổi từ trẻ em mới sinh ra cho đến khi trưởng thành bước vào tuổi lao động và khi trở về già. Cơ cấu này cũng cho biết số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mức sinh, mức chết và tốc độ gia tăng dân số của các nhóm dân số. 
 
Tháp dân số - sự chuyển đổi cơ cấu dân số Việt Nam
Thapdanso.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở 1989 và 2009.
 
      Do những thành tựu của chương trình DS-KHHGĐ, dân số Việt Nam đã có sự biến đổi cơ bản về qui mô và cơ cấu dân số. Tháp dân số năm 1989 có cơ cấu dân số trẻ (đáy tháp mở rộng), đến năm 2009 tháp dân số chuyển đổi cơ bản với tỷ trọng dân số trẻ giảm và tỷ trọng người trong tuổi lao động tăng (sự thu hẹp của ba thanh ở đáy tháp). Đây là tháp dân số “lý tưởng” nhất, tháp dân số cho thấy lực lượng lao động đông, số trẻ sinh ra thấp, số người cao tuổi ở mức trung bình. Đây là giai đoạn dân số tốt nhất (giai đoạn cơ cấu dân số “vàng”) của mọi quốc gia.
       Mục tiêu “Duy trì mức sinh thấp hợp lý, tiến tới ổn định qui mô dân số, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bổ dân số” trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế-xã hội. Luật Dân số đang được xây dựng dựa trên những bài học của 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, 20 năm thực hiện Nghị quyết TW 4 về chính sách DS-KHHGĐ và hơn 50 năm thực hiện chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam, và  các  kinh nghiệm quốc tế. Những thành công và bài học trong  công tác dân số sẽ là động lực thúc đẩy phát triển bền vững bên cạnh những thành tựu kinh tế-xã hội.
 
 
Tài liệu tham khảo
Bài phát biểu của Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số, tháng 9/2013.
Tổng cục DS-KHHGĐ, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Báo cáo 20 năm thực hiện nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành TW Đảng (khóa 7) về Chính sách DS-KHHGĐ: Thành tựu, tác động và kinh nghiệm.
Nguyễn Đình Cử, Biến đổi dân số và tăng trưởng kinh tế, Tạp chí Xã hội học, 3/2012.
Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, NXB Thống kê, Hà Nội 2010.
Tổng cục Thống kê, Điều tra biến động dân số và KHHGĐ 1.4.2012: Những kết quả chủ yếu. NXB Thống kê, Hà Nội 12/2012.
Population Reference Bureau, World Population and Economic Development Data sheet 2012.
Nguyễn Quốc Anh và cộng sự, Việt Nam Dân số và Phát triển bền vững. Ủy ban DS-KHHGĐ, 1996.
Tổng cục Thống kê, Số liệu thống kê Việt Nam 1930-1980. NXB Thống kê.
Tổng cục Thống kê,  Số liệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1976-1989, NXB Thống kê.
 
 
 

Nguồn tin: Sưu tầm