Vì không biết khi nào nên tầm soát ung thư, nhiều người mắc bệnh đã quá nặng

Tỷ lệ mắc ung thư hiện có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt ở các nước đang phát triển như nước ta nên việc khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư ngày càng được quan tâm. Đáng buồn không biết khi nào nên tầm soát ung thư, nhiều người mắc bệnh đã quá nặng. Điều trị khó khăn khi đã phát hiện muộn
Phát hiện sớm ung thư là điều rất quan trọng quyết định kết quả việc điều trị bệnh

Các chuyên gia y tế cho rằng, sàng lọc là quá trình áp dụng một biện pháp kĩ thuật hay xét nghiệm để phát hiện sớm một bệnh ở thời kì tiền lâm sàng mà bệnh đó chưa có biểu hiện những triệu chứng lâm sàng.

Tầm soát ung thư là một trong ba bước của dự phòng ung thư. Theo đó, dự phòng bước 1 là phòng ngừa ban đầu nhằm cố gắng loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư để hạn chế xảy ra sự khởi phát bệnh ung thư.

+ Dự phòng bước 2: Là tầm soát và phát hiện sớm ung thư khi chưa có biểu hiện của bệnh, thậm chí những dấu hiệu của một tình trạng tiền ung thư.

+ Dự phòng bước 3: Là tìm biện pháp điều trị có kết quả nhằm mục đích tốt nhất, kéo dài số năm sống thêm cho người bệnh.

Ông Nguyễn Minh Tuấn – chuyên gia Đề án 818 cho biết, dự phòng bước 1 và dự phòng bước 2 mới là hai bước quan trọng trong dự phòng ung thư. Nhiều bệnh ung thư khi được phát hiện sớm có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn và kéo dài sự sống. Trong đó, ung thư vú và ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư hay gặp ở phụ nữ nếu phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi hơn 90%.

Thế nhưng, ở nước ta đa phần mọi người chỉ quan tâm đến dự phòng bước 3, tức là khi có bệnh mới tìm kiếm các phương pháp điều trị bệnh. Khi bệnh đã ở giai đoạn này gần như bệnh không còn ở giai đoạn sớm. Kết quả điều trị bệnh sẽ hạn chế và dễ có biến chứng.

Khi nào phụ nữ cần tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung?

Theo khuyến cáo của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ về sàng lọc phát hiện sớm ung thư:

1. Ung thư vú

Nữ bắt đầu từ tuổi 25 nên nghĩ đến sàng lọc ung thư vú, tập trung nhất là hơn 40 tuổi hàng năm nên sàng lọc bằng chụp X quang tuyến vú. Phụ nữ từ 55 tuổi nên chụp X quang tuyến vú hai năm một lần hoặc tiếp tục duy trì một năm một lần. Sàng lọc nên được kéo dài khi phụ nữ còn đủ sức khỏe và dự kiến sẽ sống thêm 10 năm nữa hoặc lâu hơn.

Với phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú nên được tầm soát thêm bằng chụp MRI tuyến vú hàng năm bắt đầu từ tuổi 30 như: có đột biến BRCA; bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc con của người mang đột biến BRCA, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú 20% đến 25% (xác định bằng BRCAPRO), có tiền sử xạ trị vào vùng ngực từ 10 đến 30 tuổi, hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Cowden- Bannayan Riley-Ruvalcaba.

2. Ung thư cổ tử cung

Phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 29 nên làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm. Không nên sử dụng xét nghiệm HPV ở nhóm tuổi này trừ khi cần thiết sau khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường.

Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 65 nên làm xét nghiệm Pap cộng với xét nghiệm HPV được thực hiện 5 năm một lần. Nhưng cứ sau 3 năm thì bạn nên làm xét nghiệm Pap một lần.

Phụ nữ trên 65 tuổi đã được xét nghiệm ung thư cổ tử cung thường xuyên trong 10 năm qua với kết quả bình thường thì có thể ngừng sàng lọc.


Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: Theo gia đình net