Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả ngừa nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh mà tế bào ung thư xuất hiện ở vùng cổ tử cung, vùng tiếp giáp giữa thân tử cung và âm đạo. Ung thư cổ tử cung là ung thư phụ khoa xếp hàng thứ 2. Loại bệnh này phát triển là do các tế bào biểu mô cổ tử cung tăng sinh bất thường, không được kiểm soát và hình thành khối u. Bệnh thường gặp ở phụ nữ từ 40 – 50 tuổi. Tại Việt Nam hàng năm có 2500 ca tử vong, có 5146 trường hợp mắc mới (năm 2015), 56% số ca xảy ra ở phụ nữ từ 40 – 59 tuổi. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì tỷ lệ tử vong cao đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ.

Tác nhân gây UTCTC hơn 95% là do virus HPV (Human Papilloma). HPV là virus sống trên biểu mô trên bề mặt âm đạo, âm hộ, dương vật, hậu môn, miệng, thanh quản… Virus gây u nhú ở người, dễ lây qua quan hệ tình dục không an toàn. Hiện nay, có hơn 100 type HPV. 30 type ở vùng hậu môn, sinh dục. Ít nhất có 14 type HPV gây ung thư. Trong đó, type 16 chiếm 53%, type 18 chiếm 15%, type 45 chiếm 9% các ca gây ung thư cổ tử cung. 3 type này cũng có liên quan đến 94% các trường hợp ung thư biểu mô tuyến.

Virus HPV lây truyền cả qua đường tình dục và không quan hệ tình dục. Lây truyền qua đường tình dục khi giao hợp (sinh dục – sinh dục, tay – sinh dục, miệng – sinh dục). Lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh con. Lây qua tiếp xúc với đồ lót, vật truyền bệnh (bồn cầu…), găng phẫu thuật, kềm sinh thiết. Trong một cuộc nghiên cứu cho thấy, HPV được phát hiện trong âm đạo của hơn 45% các cô gái trẻ (10 – 22 tuổi) trước khi họ quan hệ tình dục lần đầu.

Đối tượng dễ bị nhiễm HPV bao gồm những người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, sinh nhiều con, suy giảm miễn dịch, viêm sinh dục đặc biệt là Chlamydia, ăn ít rau xanh, tình trạng kinh tế xã hội thấp. Khi bị nhiễm virus HPV ở giai đoạn sớm không có dấu hiệu gì để nhận biết. Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu hầu như không có các triệu chứng. Ở giai đoạn muộn thường xuất hiện những dấu hiệu bất thường sau: chảy máu khi quan hệ, xuất huyết âm đạo bất thường, tiết dịch âm đạo nhiều, đau lưng, giảm cân nhanh và mệt mỏi, chu kỳ kinh nguyệt không đều, bất thường khi đi tiểu (đi tiểu bị đau hoặc khó khăn và nước tiểu đục).

Để phòng ngừa nhiễm virus HPV, biện pháp hiệu quả nhất là tiêm vác xin ngừa HPV. Hiện nay ở nước ta có 2 loại vác xin: vác xin nhị giá (Cervarix) chứa 2 type HPV 16 và 18 ngừa ung thư cổ tử cung (tiêm cho trẻ em gái và phụ nữ từ 10 đến 25 tuổi); vác xin tứ giá (Gardasil) chứa 4 type HPV 6,11,16,18 ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo và mụn cóc sinh dục (tiêm cho trẻ em gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi). Thời điểm hiệu quả nhất để tiêm ngừa là trước khi bắt đầu quan hệ tình dục. Tuy nhiên phụ nữ đã lập gia đình hoặc có quan hệ tình dục vẫn hoàn toàn có thể tiêm ngừa ung thư cổ tử cung vì các nghiên cứu đều cho thấy vắc xin vẫn có hiệu quả rất tốt cho các đối tượng này trong trường hợp chưa nhiễm HPV. HPV không chỉ là nguyên nhân ung thư cổ tử cung mà còn là 1 trong các yếu tố tăng nguy cơ ung thư vòm họng, đầu - cổ.

Ngoài ra, để tầm soát ung thư cổ tử cung, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để có biện pháp can thiệp sớm, kịp thời, chị em phụ nữ nên làm xét nghiệm tầm soát sớm UTCTC mỗi năm một lần bằng 1 trong 2 phương pháp pap smear truyền thống và xét nghiệm PAP’ nhúng dịch (Thinprep pap test). Độ nhạy của phương pháp này là 90% so với phương pháp Pap smear truyền thống chỉ có 50%.

Ung thư cổ tử cung liên quan đến HPV là bệnh lý có thể chủ động dự phòng được bằng vác xin. Trẻ em gái và phụ nữ từ 9 – 26 tuổi nên tiêm vác xin ngừa virus HPV càng sớm càng tốt, không nên trì hoãn vì HPV có thể lây qua những con đường khác ngoài quan hệ tình dục hoặc ngay cả với những đối tượng quan hệ tình dục lành mạnh với chung một bạn tình. Hãy hành động sớm để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.


Tác giả bài viết: Đỗ Hoa

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD