Thay đổi tập quán, hành vi để nâng cao chất lượng dân số

“Hiện nay, bối cảnh công tác dân số đã có nhiều thay đổi. Dân số nước ta xấp xỉ 100 triệu dân, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình hội nhập thì chất lượng dân số vẫn rất đáng suy nghĩ”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.
Nâng cao chất lượng dân số là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của đất nước

Chất lượng dân số đã được nâng lên nhưng chưa tương xứng

Tại buổi tọa đàm Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 18/11 tại Hà Nội, các chuyên gia cho biết, thời gian qua, nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ về công tác dân số, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng dân số. Chẳng hạn, tuổi thọ của người Việt Nam đã đạt mức xấp xỉ 74 tuổi. Đây là tuổi thọ khá cao so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, các chỉ số về chiều cao, cân nặng, thể chất, thể lực của dân số Việt Nam liên tục tăng cao trong nhiều năm; tỷ lệ suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng ở thể thấp còi ở trẻ em đã được cải thiện. Trong thời kỳ hội nhập, chúng ta cần chú trọng hơn nữa việc thực hiện các mục tiêu của công tác dân số, trong đó có nâng cao chất lượng dân số.

Đề cập cụ thể hơn về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Hiện nay bối cảnh công tác dân số đã có nhiều thay đổi. Nước ta đã đạt ngưỡng 100 triệu dân, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình hội nhập thì chất lượng dân số này vẫn rất đáng suy nghĩ.

Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên nhưng sức khỏe chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thấp còi trẻ em Việt Nam cũng cần phải lưu ý. Theo Phó Chủ nhiêm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, dù chúng ta đã có nhiều chính sách về chăm sóc cho thế hệ tương lai nhưng với đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, do điều kiện địa lý tác động nên vẫn còn gặp rào cản lớn, vẫn còn tình trạng sinh con tại nhà dẫn đến nhiều trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có xu hướng gia tăng, rất đáng báo động.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Vấn đề dân số tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tất cả các quốc gia đều rất quan tâm đến vấn đề dân số. Bài học rút ra ở một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc đặt ra định hướng tương lai về sự phát triển dân số. Nhiều chuyên gia ở các nước cũng đặt ra vấn đề cho Việt Nam về chính sách phát triển dân số.

Chính sách dân số thời gian qua có rất nhiều bước đi tiến bộ, ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ sức khỏe con người, ổn định kinh tế, chính trị quốc gia.

Có thể nói, vấn đề dân số chính là "cửa ngõ" xung yếu để quốc gia phát triển bền vững, tồn tại lâu dài. Việc phát triển dân số trong tình hình mới không chỉ có tầm quan trọng với quốc gia mà đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng với từng gia đình và từng cá nhân. Như vậy, việc phát triển dân số trong tình hình mới theo định hướng là rất quan trọng.

"Khó chồng khó" trong công tác dân số

Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, để công tác dân số phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, bao gồm cả việc nâng cao chất lượng dân số, tổ chức bộ máy làm dân số phải được ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, công tác tổ chức bộ máy dân số đang có vấn đề. Vấn đề ở đây là bộ máy dân số của chúng ta "nhập - tách" rất nhiều dẫn đến không ổn định, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của cán bộ dân số.

Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Những năm vừa qua Việt Nam đã có quá nhiều sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức dân số. Chúng ta đã xử lý bộ máy tổ chức dân số một cách cơ học. Cấp huyện trở xuống đang bị "teo lại" và nảy sinh gây nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác dân số.

Mặt khác, cán bộ dân số nhập vào trạm y tế xã dẫn đến sự khủng hoảng của đội ngũ cán bộ dân số ở địa phương. Quyết định đưa 11.000 cán bộ dân số chuyên trách cấp xã vào viên chức ở các trạm y tế xã khiến hiệu quả thực hiện không cao do quản lý điều hành bị thay đổi.

Nói thêm về khó khăn này, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết: Trước khi Trung tâm DS-KHHGĐ hợp nhất với Trung tâm Y tế theo Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, rất nhiều cán bộ của Trung tâm Dân số trước kia không có bằng cấp về y khoa, khi các cán bộ này về Trung tâm Y tế thì chuyên môn không thích hợp, vì vậy họ xin chuyển công tác. Bên cạnh đó, trường hợp cán bộ của Trung tâm Dân số cũ có bằng cấp về y tế thì Trung tâm Y tế lập tức điều chuyển qua khối điều trị, dẫn tới mất cán bộ làm công tác dân số.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, trong 2 năm vừa qua, ở cấp huyện, đa số chỉ còn 3 cán bộ (giảm 50%), nhiều huyện chỉ còn 1 cán bộ, gọi là phòng dân số nhưng chỉ có 1 người. Có một vài địa phương phản ánh còn "một người rưỡi", phân công là 2 người nhưng cả 2 người đều bị điều chuyển, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ khác của Trung tâm Y tế. Đây là những khó khăn rất lớn mà hệ thống cán bộ dân số cơ sở đang phải đối mặt hiện nay.

Ở một góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, một khó khăn nữa trong việc nâng cao chất lượng dân số là người dân Việt Nam hiện nay chưa có khái niệm nhiều về việc đi khám tiền hôn nhân vì chưa có truyền thông sâu rộng đến người dân. Bên cạnh đó, hiện tại một bộ phận người dân tuy đã có hiểu biết nhất định về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh nhưng để hiểu đầy đủ và dám làm hay không thì chưa có. Mặt khác, vẫn còn nhiều người tìm đến các thầy lang; đi soi trứng hay thụ tinh trong ống nghiệm để chọn giới tính của thai nhi. Tâm lý ưa thích con trai hơn con gái đã ăn sâu vào tiềm thức, nếu không thay đổi tư duy, rất khó có thể đẩy lùi được.

Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân

Trước những thách thức về công tác dân số trong tình hình mới, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW. Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Nghị quyết 21 có thể coi là Nghị quyết về Dân số và Phát triển. Cụ thể, nội dung Nghị quyết chỉ rõ: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững".

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, để làm được điều này, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của người dân. Bởi lẽ, trước đây khi đi đến hôn nhân, không ai khám sức khỏe hay tư vấn, chỉ cần đến tuổi là xây dựng gia đình. Tuy nhiên, Nghị quyết 21 đặt mục tiêu đến năm 2030, 90% nam nữ kết hôn đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và được tư vấn. Đó là một sự thay đổi rất mạnh mẽ. Hơn nữa, mục tiêu Nghị quyết cũng phấn đấu đến năm 2030 đạt chỉ tiêu tầm soát trước sinh là 70%, sơ sinh là 90%. "Tất cả sự thay đổi đó, chuyển từ sinh sản về mặt số lượng sang chất lượng là chính. Điều này là đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cả tập quán và hành vi của chúng ta. Đây là một cuộc cách mạng, mà cuộc cách mạng nào cũng khó khăn và gian khổ cả", GS Nguyễn Đình Cử nói.

Do đó, theo GS Nguyễn Đình Cử, tất cả các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW rất rõ ràng. Chúng ta phải đẩy mạnh truyền thông, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, ổn định bộ máy tổ chức, tăng cường kinh phí hoạt động. Ngoài ra, nên bổ sung thêm chính sách khuyến khích khám sức khỏe tiền hôn nhân để góp phần hạn chế dị tật bẩm sinh, giúp sinh ra những đứa con khỏe mạnh, nâng cao chất lượng giống nòi.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, trong 2 năm vừa qua, ở cấp huyện, đa số chỉ còn 3 cán bộ (giảm 50%), nhiều huyện chỉ còn 1 cán bộ, gọi là phòng dân số nhưng chỉ có 1 người. Có một vài địa phương phản ánh còn “một người rưỡi”, phân công là 2 người nhưng cả 2 người đều bị điều chuyển, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ khác của Trung tâm Y tế. Đây là những khó khăn rất lớn mà hệ thống cán bộ dân số cơ sở đang phải đối mặt hiện nay.

Nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Theo đó, chất lượng dân số phải được nâng lên cả về thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần ngay từ giai đoạn đầu đời. Đây được coi là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước.

Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số, bao gồm cả trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp - xã hội, tính năng động, mức sống, tình trạng sức khỏe và có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia nhằm hướng tới "nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh".


Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: Theo gia đình net