Sức khỏe vốn quý nhất của con người

Năm 2019, “Chương trình sức khỏe Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092-QĐ/TTg ngày 2-9-2018. Đúng dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, Bộ Y tế đã phát động một chương trình có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe toàn dân. Sự kiện đã được kết nối trực tuyến tới điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Phát động ngày sức khỏe Việt Nam
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á. Việc “già hóa dân số” đặt ra những thách thức to lớn cho hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe. Bởi lẽ, dù tuổi thọ đã tăng cao nhưng trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam phải chịu đến hơn 10 năm bệnh tật trong đời. Không chỉ có vậy, các hạn chế về dinh dưỡng lâm sàng hay còn gọi là dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh cũng là một điều đáng quan ngại. Tại Việt Nam, tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi, hay ở bệnh nhân vẫn rất phổ biến do tầm quan trọng của dinh dưỡng chưa được hiểu đúng. Hậu quả kéo theo là thời gian hồi phục kéo dài, chi phí nằm viện tốn kém, khiến cơ thể suy yếu dẫn đến các biến chứng, nguy cơ tái nhập viện cao. Ngoài ra, việc hạn chế về tầm vóc và thể chất, nhất là ở người trẻ cũng rất cần được quan tâm nhiều hơn. Theo thống kê, chiều cao trung bình của người Việt chỉ đạt 1,621m, đứng thứ 4 trong nhóm 10 nước thấp nhất thế giới. Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua, tại tỉnh Bình Phước đã có nhiều đơn vị phát động và triển khai mạnh mẽ, điển hình Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh vào sáng thứ 2 tất cả lãnh đạo, cán bộ, viên chức tập thể dục theo phương pháp y học mục đích giứp cơ thể, xương, cơ khớp vận động khoẻ và tinh thần sảng khoái mỗi buổi tập luyện. Đồng thời kêu gọi, phát động toàn dân thực hiện lối sống lành mạnh, dự phòng và phát hiện sớm bệnh tật, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, Sở Y tế Bình Phước ban hành Kế hoạch hưởng ứng phát động “Chương trình sức khỏe Việt Nam”.
Từ thực tế cho thấy, sức khỏe và chăm sóc sức khỏe con người ở nước ta đã và đang là vấn đề quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người cũng như của toàn xã hội. Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc cần phải đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu cốt lõi. Đó là: Vệ sinh phòng bệnh; ăn uống điều độ, đảm bảo dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Mỗi người dân cần có kiến thức để biết tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào sâu rộng, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Mỗi người một ngày nên vận động ít nhất 10 ngàn bước chân và làm sao để trở thành thói quen hằng ngày. Ngành y tế cần làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Mọi người dân cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ; được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị, quản lý sức khỏe, nhất là đối với người mắc các bệnh mạn tính và người cao tuổi.
Chương trình sức khỏe Việt Nam chỉ có thể thành công khi có sự tham gia hưởng ứng tích cực của toàn dân. Mỗi người dân hãy bắt đầu ngay việc thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân và gia đình. Ngoài việc thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, thực hiện đúng các hướng dẫn của bác sĩ, mỗi người cần ăn uống bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, giảm muối trong bữa ăn hằng ngày và điều quan trọng là thường xuyên vận động thể lực, rèn luyện thân thể.

Tác giả bài viết: Xuân Hiệp