Quý ông Việt uống rượu, bia thuộc nhóm cao nhất thế giới

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/10. Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.
Tác hại của rượu bia, thuốc lá là các bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai… Ảnh minh họa

Gia tăng tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại

So với thế giới, mức tiêu thụ rượu bia, tỷ lệ sử dụng rượu bia, tỷ lệ sử dụng rượu bia mức có hại ở Việt Nam khá cao. Bình quân nam giới Việt Nam trong một năm tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 29 thế giới.

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

Do những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê chuẩn Chiến lược toàn cầu nhằm giảm tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn vào năm 2010. Tại Việt Nam, ngày 12/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/QĐ/TTg phê duyệt Chính sách Quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, để đưa ra được Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia Bộ Y tế đã mất 7 năm chuẩn bị. Không phải ai cũng nhận thức được tác hại của rượu bia với sức khỏe. Nhiều vụ tai nạn giao thông trong thời gian vừa qua liên quan nhiều đến sử dụng quá mức rượu bia.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là một trong những luật khó làm vì có tính xung đột lợi ích, giữa nhà làm luật và các đối tác khác. Những người làm công tác chăm sóc sức khoẻ như chúng tôi đã rất vất vả, nhiều phen căng thẳng vì xung đột.

"Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia; đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai luật là hết sức quan trọng", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.

Về mặt tác hại, uống rượu bia gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại với cả người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu bia... Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia…) hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Kidong Park - Trưởng Văn phòng WHO tại Việt Nam khẳng định, WHO cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Bộ Y tế nói riêng trong việc triển khai và thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm giới thiệu nội dung cơ bản của luật, chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Luật, đặc biệt là các công việc mà các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần phải làm và duy trì trong thời gian tới cũng như các kinh nghiệm quốc tế trong triển khai các luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, đây cũng là dịp để các Bộ, ngành, địa phương có thể trao đổi, giải đáp, chia sẻ thông tin và thảo luật để đề xuất được những giải pháp nhằm triển khai luật đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, Bộ Y tế đang trong quá trình xin ý kiến về việc mở rộng địa điểm những nơi cấm bán và sử dụng rượu bia như công viên, nhà chờ xe buýt, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc... để quy định trong Nghị định thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Ngày 09/10/2019, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 9175/VPCP-KGVX thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với các nội dung chính: Yêu cầu Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo quy định của phòng, chống tác hại của rượu, bia và Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

Từ năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia; ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bộ Y tế làm đầu mối tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2019.

Bộ Y tế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả...


Nguồn tin: Theo gia đình net