Phụ nữ thành thị ở Việt Nam chỉ sinh 1,83 con/người

- Theo kết quả tổng điều tra dân số mới nhất, mỗi phụ nữ thành thị ở Việt Nam sinh 1,83 con, giảm mạnh so với 30 năm trước, nhưng lại cao hơn so với cách đây 12 năm.

Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tốc độ tăng dân số, quy mô dân số cũng như cơ cấu dân số tại một quốc gia. 

Mức sinh vừa là yếu tố tác động, vừa là yếu tố phản ánh mức độ phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Mức sinh cao hơn nhiều so với mức chết sẽ dẫn đến quy mô dân số tăng nhanh, gây áp lực đến hệ thống an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng cũng như vấn đề môi trường sinh thái; mức sinh quá thấp sẽ đẩy nhanh quá trình già hóa dân số gây ra thiếu hụt lực lượng lao động. 

Do đó, các chỉ tiêu liên quan đến mức sinh luôn thu hút sự quan tâm của các nhà lập chính sách, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu.

sinhcon.jpeg

TFR ở khu vực thành thị giảm từ 2,30 con/phụ nữ (năm 1989) xuống 1,83 con/phụ nữ (năm 2019). Ảnh minh hoạ

Trong chuyên khảo "Thực trạng và các yếu tố tác động mức sinh tại Việt Nam" do Tổng cục Thống kê công bố tháng 6/2021, cho biết trong 10 năm qua (2009-2019), tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) của Việt Nam đã giảm nhẹ, từ 57,3% trong tổng số phụ nữ năm 2009 xuống còn 51,6% năm 2019. 

Tỷ lệ này trong năm 2019 ở khu vực thành thị là 55,2% và của nông thôn là 49,6%. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhiều nhất trong giai đoạn 2009-2019, tại mỗi vùng giảm 7 điểm phần trăm. 

Năm 2019, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thấp nhất (48,9%) và tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Đông Nam bộ cao nhất (chiếm 59,6%). 

Trong ba thập kỷ qua, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam đã giảm đáng kể, từ 3,80 con/phụ nữ năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ năm 2019. Tương ứng, tại khu vực nông thôn, TFR giảm từ 4,26 con/phụ nữ xuống còn 2,26 con/phụ nữ; khu vực thành thị giảm từ 2,30 con/phụ nữ xuống 1,83 con/phụ nữ.

Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, TFR có xu hướng tăng nhẹ, khu vực nông thôn tăng từ 2,14 con/phụ nữ năm 2009 lên 2,26 con/phụ nữ năm 2019; tương ứng, khu vực thành thị tăng từ 1,81 con/phụ nữ lên 1,83 con/phụ nữ. Con số này thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (2,1 con).

Kết quả của hai cuộc Tổng điều tra gần nhất cho thấy, trong số 7 dân tộc có quy mô dân số lớn nhất cả nước (quy mô dân số từ 1 triệu trở lên), dân tộc Mường có tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm nhiều nhất (8,8 điểm phần trăm), tiếp đến là dân tộc Tày (7,9 điểm phần trăm) và dân tộc Kinh (6,1 điểm phần trăm). 

Trong số 7 dân tộc này năm 2019, dân tộc Thái có tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao nhất (54,7%), tiếp đến là dân tộc Khmer (53,2%). 

Đáng chú ý, dân tộc Mông có tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2019 thấp nhất mặc dù đã tăng so với năm 2009 (tăng từ 46,1% năm 2009 lên 47,6% năm 2019). 

Phụ nữ thành thị ở Việt Nam chỉ sinh 1,83 con/người - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Năm 2019, 72,9% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trình độ học vấn từ THCS trở lên. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trình độ từ THPT trở lên là 41,9% (tăng 16 điểm phần trăm với năm 2009). 

"Trình độ học vấn của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được nâng cao góp phần tác động trực tiếp tới kiến thức và hành vi sinh sản và qua đó có những tác động trực tiếp tới quyết định sinh con và mức sinh của dân số" - báo cáo đưa ra nhận định. 

Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở 2019 cho thấy có hơn 1,2 triệu phụ nữ di cư trong độ tuổi sinh đẻ, chiếm 1,3% tổng dân số cả nước và chiếm 5,0% số phụ nữ cùng độ tuổi. Hơn một nửa trong số phụ nữ di cư có liên quan đến việc làm như tìm việc; bắt đầu công việc mới (54,0%); ngoài ra còn bao gồm các lý do như kết hôn (17,5%); đi học (13,9%)…. Tại thời điểm 1/4/2019, phần lớn phụ nữ từ 15-49 tuổi hiện đang có chồng (69,4%), có 26,1% phụ nữ chưa từng kết hôn; số còn lại thuộc nhóm góa, ly hôn và ly thân.

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cũng cho thấy, 38,5% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sống trong các hộ nghèo hoặc nghèo nhất và 41,3% số phụ nữ từ 15-49 tuổi sống trong các hộ giàu hoặc giàu nhất. 

Phụ nữ từ 15-49 tuổi ở Trung du và miền núi phía Bắc chủ yếu sống trong các hộ nghèo hoặc nghèo nhất (61,1%), tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, lần lượt chiếm 60,6% và 57,3%; tỷ lệ này ở Đồng bằng sông Hồng là thấp nhất cả nước (15%). 

Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ sống trong các hộ có điều kiện sống tốt nhất cao nhất cả nước: tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi sống trong các hộ "Giàu" và "Giàu nhất" của hai vùng này lần lượt là 69,4% và 49,8%.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: Theo gia đình net