PHÚ RIỀNG TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mang lại hậu quả khôn lường cho thế hệ tương lai, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy thoái giống nòi, tác động xấu đến chất lượng nguồn nhân lực và gây hậu quả tiêu cực đến sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Theo số liệu của (Tổng Cục thống kê dân số năm 2016) tính đến thời điểm hiện tại cả nước ta có 54 dân tộc anh em, cư trú rải rác trên khắp mọi miền Tổ Quốc! riêng tỉnh Bình Phước có hơn 40 dân tộc anh em. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thì Bình Phước luôn được ví như “một Việt Nam thu nhỏ” với thế mạnh ấy, trong nhiều năm qua được sự quan tâm của các cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể cùng với sự giao thoa qua lại của các nền văn hóa với nhau, đã tạo nên một Bình Phước đa sắc, đa màu, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là một lợi thế lớn trong việc gìn giữ nét truyền thống tốt đẹp của địa phương, là động lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch tiềm tàng. Nhưng đi cùng với những nét đẹp truyền thống ấy lại ẩn chứa không ít những hủ tục lạc hậu cần phải loại bỏ như tục lệ: Để người phụ nữ đẻ con ngoài nương rẫy, tục “bắt chồng”, “cướp dâu”… đặc biệt là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang là một vấn đề nan giải đòi hỏi các cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể cần phải sớm tìm ra các giải pháp thích hợp để tháo gỡ tình trạng trên.
Là một huyện lị trong tỉnh Bình Phước mới được tách ra từ huyện Bù Gia Mập. Huyện Phú Riềng là nơi cư trú của 13 dân tộc anh em cùng chung sinh sống là  Kinh, S’Tiêng, Chăm, Chu Ru, Ê Đê, Gia Lai, Hoa, Khơ Me, Mường, Sán Rìu, Xơ Đăng, Tày, Mnông. Cũng không tránh khỏi những vấn nạn trên, xác định đây là vấn đề khó khăn chung mà tỉnh nhà cũng đang gặp phải, ngay khi huyện Phú Riềng được thành lập và đi vào hoạt động, UBND huyện đã đề ra kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 11/11/2015 của UBND huyện Phú Riềng về thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020.
Sáng ngày 25/11/2016, tại hội trường UBND xã Phú Riềng dưới sự chủ trì của Đồng chí Phan Thanh Thuật – trưởng Phòng nội vụ đã phối hợp với Ban dân tộc tỉnh Bình Phước, Phòng Y tế, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Phú Riềng, tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Hội nghị đã thu hút hơn 150 thành viên là cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện. Đặc biệt là những người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng bản trong đồng bào dân tộc thiểu số về tham dự.
Tại Hội nghị ông Nguyễn Minh Trí Trưởng phòng tuyên truyền Ban dân tộc tỉnh Bình Phước đã báo cáo những nội dung cơ bản, thiết thực đang diễn ra trên địa bàn tỉnh nhà về:
+ Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
+ Một số vấn đề cơ bản về luật hôn nhân và gia đình.
Bằng việc lồng ghép kiến thức chuyên môn với việc liên hệ thực tế tại cộng đồng thông qua quá trình trao đổi, tọa đàm cùng các thành viên. Tại đây ông Nguyễn Minh Trí cũng đã giải đáp phần nào những kiến nghị, thắc mắc đáng lưu tâm mà các thành viên đặt ra khi triển khai thực hiện đề án tại địa phương.
Cũng tại Hội nghị các thành  viên cũng được cung cấp thêm những nội dung cơ bản, chiến lược về đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” của Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành trong Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/05/2015. Và kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 23/10/2015 của UBND tỉnh Bình Phước về thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020.
Kết thúc Hội nghị ông Nguyễn Minh Trí cũng đã thống nhất với các thành viên về những giải pháp cơ bản để thực hiện tốt công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung và huyện Phú Riềng nói riêng như sau:
+ Không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số.
+ Tăng cường lãnh đạo, quản lý và nâng cao trách nhiệm của các cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
+ Đầu tư các cơ sở hạ tầng, từng bước cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
+ Huy động nguồn lực thực hiện nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tóm lại việc loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu nói chung và loại bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói riêng, ra khỏi đời sống xã hội sẽ đạt được kết quả không nhỏ, nếu có sự can thiệp một cách mạnh mẽ, kiên quyết và kịp thời từ phía các cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể. Từ đó mới tạo ra được một hệ thống an sinh xã hội hoàn chỉnh, góp phần xây dựng một nước Việt Nam phồn thính và văn minh sánh ngang với các bạn bè cộng đồng quốc tế năm châu./.

Tác giả bài viết: Đinh Tùng

Nguồn tin: Trung tâm Dân số - KHHGĐ Phú Riềng