Người có HIV/AIDS cần được hỗ trợ về tâm lý

Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay. Tính đến tháng 9/2019 trên cả nước, lũy tích số người nhiễm HIV là hơn 211.000 người, số người tử vong do AIDS là hơn 103.000 người. Dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của dịch có xu hướng chậm lại. Hiện nay, tỷ lệ hiện mắc HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng gia tăng và tỷ lệ mắc mới HIV trong nhóm này cao nhất trong các nhóm. Đó là số liệu mà Cục phòng chống HIV/AIDS báo cáo tại Hà Nội ngày 08/11/2019 gặp mặt phóng viên báo chí nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 10/11-10/12/2019.
Hội Thi tìm hiểu về HIV/AIDS- Ma túy
Dịch HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống của quốc gia, các dân tộc trên toàn cầu, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 thì quan điểm của Đảng ta là: Phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của tất cả các cấp ủy Đảng, các Bộ, ngành, chính quyền các cấp và là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng. Phòng, chống HIV/AIDS phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; chú trọn đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV, đồng bào dân tộc ít người và người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo. Do vậy, đối với người nhiễm HIV/AIDS ngoài việc hỗ trợ về vật chất, thể chất, rất cần sự hỗ trợ về tinh thần không chỉ giúp tạm thời  mà cần phải tích cực lâu dài, nhằm tạo dựng cho người nhiễm HIV/AIDS khả năng tự vượt qua khủng hoảng và đương đầu với cuộc sống.
Cơ thể và tinh thần có mối quan hệ đặc biệt, tinh thần minh mẫn chỉ có trong một thân thể khỏe mạnh, câu nói này nêu lên tác động của tình trạng cơ thể đối với tinh thần. Ngược lại, tinh thần ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Sự đau khổ, tuyệt vọng làm cơ thể suy sụp nhanh chóng. Một trong những vấn đề sức khỏe bệnh nhân HIV/AIDS đó là tình trạng suy kiệt do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng trầm cảm của bệnh nhân. Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS ổn định cảm xúc là một trong bốn thành phần quan trọng của việc chăm sóc toàn diện người nhiễm HIV/AIDS (điều trị, điều dưỡng, hỗ trợ tinh thần, hỗ trợ xã hội) giúp họ chậm suy kiệt cơ thể, có tinh thần khỏe mạnh, sống hữu ích cho gia đình, xã hội và đương đầu với AIDS.
Như chúng ta đã biết, tâm lý của con người rất phức tạp, là kết quả tác động từ bên ngoài trên cơ sở những đặc điểm tâm lý cá nhân. Tác động bên ngoài càng mạnh, ảnh hưởng càng lớn. Những tác động bên ngoài đối với người nhiễm HIV/AIDS rất đa dạng, từ thái độ của những người thân, người quen, đến những tác động truyền thông, thậm chí một số hình ảnh cũng có thể gây ra xúc cảm tâm lý và phản ứng mạnh mẽ ở người nhiễm HIV/AIDS. Tâm lý của người nhiễm HIV/AIDS rất nhạy cảm trước tác động bên ngoài vì họ luôn mang trong mình nỗi sợ, dù có khi nó chỉ là trong vô thức, sợ chết, sợ bị xa lánh, sợ bị cô đơn và bị những mặc cảm là người bệnh, nguồn lây và sống bám vào người khác.
Chính vì lẽ đó, việc hỗ trợ tâm lý người nhiễm HIV/AIDS không chỉ là việc làm có tính chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn là việc đáp ứng tinh thần sâu xa của người nhiễm HIV/AIDS. Đó là công việc không chỉ nhà tâm lý, mà còn là tất cả những ai tiếp xúc người nhiễm HIV/AIDS. Sự có mặt của người thân, người quen, hiểu biết và chấp nhận người nhiễm HIV/AIDS trong những lúc họ cảm thấy cô đơn là sự hỗ trợ tinh thần rất lớn.

Tác giả bài viết: V.D