Ngày Tránh thai thế giới: Phá rào cản để vị thành niên tiếp cận biện pháp tránh thai an toàn

Vẫn còn những khoảng trống trong cung cấp dịch vụ KHHGĐ ở Việt Nam khi hàng năm vẫn còn 250.000 – 300.000 ca phá thai; cứ trong 1.000 ca phá thai, có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên. Thông tin từ Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho thấy, tại nước ta, hiện có trên 24 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) và sẽ tiếp tục tăng, dự báo đạt cực đại vào năm 2027-2028. Việt Nam nằm trong top những quốc gia có tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai cao trên thế giới, đạt 76% (tương đương với tỉ lệ tại Mỹ, Canada), trong đó 57% sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ cho hay, nhờ chương trình DS-KHHGĐ, Việt Nam đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là vẫn còn những khoảng trống trong cung cấp dịch vụ KHHGĐ ở nước ta khi hàng năm vẫn còn 250.000 – 300.000 ca phá thai ; cứ 100 ca phá thai trong độ tuổi 15-49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn và trong 1.000 ca phá thai, có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên. Trên thế giới, Tổ chức Marie Stopes International đã chỉ ra gần 2/3 số trẻ em trong độ tuổi từ 10 – 19 có nhu cầu cần sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Tại Việt Nam, thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy tỉ lệ phá thai hiện nay là 0,42, có nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có 2 người đã từng phá thai ít nhất một lần trong toàn bộ giai đoạn sinh sản. Hơn 30% thanh niên Việt Nam gặp khó khăn khi tìm kiếm những thông tin và dịch vụ về sức khoẻ sinh sản (SKSS) và có tới 34% thanh niên trẻ chưa lập gia đình đang có nhu cầu tránh thai nhưng chưa được đáp ứng.
Các bạn trẻ vị thành niên trong một buổi truyền thông về SKSS do Marie Stopes Việt Nam tài trợ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức và cơ hội tiếp cận các biện pháp tránh thai cho người trẻ, đặc biệt là đối tượng trẻ vị thành niên, đại diện Tổ chức Marie Stopes International cho rằng, những hạn chế trong việc tiếp cận sẽ không kiểm soát được việc quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Cùng đó, điều này đồng thời tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn kèm theo những hiểm họa khôn lường. Trong đó, biến chứng từ thai kỳ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi 15-19, phần lớn đến từ việc phá thai không an toàn.

Đại diện tổ chức Marie Stopes Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Hằng nhận định, khi phụ nữ và các trẻ em gái được tiếp cận với các biện pháp tránh thai một cách toàn diện, số bé gái bỏ học hay bị lỡ mất cơ hội học tập và phát triển vì mang thai ngoài ý muốn và số ca tử vong mẹ sẽ giảm đi đáng kể.

"Điều này đồng nghĩa với việc tăng thêm nguồn lực lao động cho quốc gia. Có thể thấy việc đầu tư vào KHHGĐ và chăm sóc SKSS nhất là cho trẻ vị thành niên và thanh niên trẻ, là một trong những ưu tiên hàng đầu mà một quốc gia nên hướng đến" - bà Bích Hằng nói.

Ngày Tránh thai thế giới – 26/9 hàng năm được tổ chức lần đầu tiên tại châu Âu năm 2007, được xem như một chiến dịch toàn cầu, với tầm nhìn là một thế giới mà nơi mỗi em bé được sinh ra đều được chào đón và sứ mệnh là nâng cao nhận thức về tất cả các biện pháp tránh thai. 
Ngày Tránh thai thế giới 26/9 cũng khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.



Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: Theo gia đình net