NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VIỆC TRIỂN KHAI PHÁP LỆNH DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2013 –2018

Ngay từ đầu thành lập lại Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, đã xác định được vai trò trọng tâm của công tác Dân số- KHHGĐ trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế nên Tỉnh uỷ, HĐND và UBND đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt chỉ tiêu, mục tiêu về công tác Dân số- KHHGĐ.
Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng có liên quan như: Tổ chức phổ biến Pháp lệnh Dân số cho cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và huyện với hơn 1.800 lượt cán bộ tham dự. Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, báo Bình Phước đưa các nội dung của Pháp lệnh dân số vào chuyên mục, chuyên trang, đồng thời tăng thời lượng phát sóng trên đài PTTH tỉnh, đài truyền thanh cấp huyện và xã. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền Pháp lệnh dân số cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước, công ty cao su, các xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đưa Pháp lệnh dân số đến được mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, hàng năm HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã đưa các mục tiêu Dân số vào các Nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế xem đó là tiêu chí đánh giá của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế, điều lệ hoặc các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật để thực hiện mục tiêu chính sách dân số, tổ chức thực hiện các biện pháp phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, tổ chức, tạo điều kiện, hỗ trợ phương tiện, kinh phí để các thành viên của cơ quan, tổ chức thực hiện tốt công tác dân số, tạo điều kiện để các thành viên của cơ quan, tổ chức thực hiện quy chế, điều lệ hoặc các hình thức khác của cơ quan, tổ chức; các hương ước, quy ước của cộng đồng về dân số, đưa chỉ tiêu thực hiện công tác dân số vào kế hoạch hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức, kiểm tra, đánh giá, sơ kết và tổng kết việc thực hiện mục tiêu chính sách dân số.
Sau khi sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số thì nhận thức của người dân về chính sách dân số đã được nâng lên rõ rệt, dân số dần ổn định cả về cơ cấu, quy mô và đặc biệt mức sinh hằng năm đã giảm, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai cũng không ngừng tăng hàng năm, và giữ khoảng cách giữa các lần sinh một cách hợp lý. Trong đó thể hiện rõ nhất là việc điều chỉnh các trường hợp được sinh con thứ 3 đây là yếu tố thể hiện tính nhân văn của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về dân số; mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân và có nghĩa vụ thực hiện nghiêm các chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về công tác Dân số - KHHGĐ. Cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng và Lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ: Sử dụng các biện pháp tránh thai; Bảo vệ sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng, tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
Mặc dù công tác Dân số - KHHGĐ còn nhiều khó khăn,  nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp Ủy đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực cố gắng của toàn bộ hệ thống cán bộ làm công tác dân số/KHHGĐ trên toàn tỉnh nên công tác dân số/KHHGĐ trong thời qua cũng đã gặt hái được một số kết quả tương đối khả quan như sau: Tỷ suất sinh thô giảm từ 17,47%o năm 2011 xuống còn 16,8%o vào năm 2012 và năm 2014 giảm còn 15,49%o, năm 2017 là 14,56%o. Bình quân mỗi năm giảm 0,67%o; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ngày càng giảm. Năm 2012 là 12,35% giảm xuống còn 10,54% vào năm 2014, năm 2017 là 10,07%.; Tỷ số giới tính khi sinh diễn biến không ổn định và có dấu hiệu tăng dần theo thời gian, từ 107 bé trai/100 bé gái năm 2013 lên 112 bé trai/100 bé gái vào năm 2014, năm 2017 là 112,2 bé trai/100 bé gái. Như vậy, có thể nói Bình Phước đang có diễn biến gia tăng tỷ số giới tính khi sinh theo chiều hướng ngày càng phức tạp.
Để Pháp lệnh Dân số đến được mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh thì công tác truyền thông giáo dục là mũi nhọn tiên phong và là cơ sở bảo đảm thành công bền vững của công tác Dân số-KHHGĐ thì chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, kinh phí cho hoạt động truyền thông ngày càng bị cắt giảm trong khi các yêu cầu về truyền thông ngày càng cao về hình thức lẫn chất lượng đã ảnh hưởng không nhỏ cho các mục tiêu lâu dài của chương trình./.

Tác giả bài viết: Bích Tuyển

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD