NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP CỦA BẠO LỰC GIA ĐÌNH

NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP CỦA BẠO LỰC GIA ĐỊNH
 
Như chúng ta đã biết, gia đình luôn là nơi yên bình nhất của con người, là nơi mà ta tìm được sự chia sẻ và yêu thương, là nơi tiếp sức cho ta có nhiều nghị lực để vượt qua những khó khăn trong công việc. Mối Quan hệ trong gia đình là mối quan hệ tình cảm thiêng liêng và ấm áp, và người phụ nữ trong gia đình là người vợ, người mẹ cống hiến, hy sinh cả cuộc đời mình để chăm lo cho chồng, cho con, cho gia đình. Ta thường nghe nói " Đằng sau một gia đình hạnh phúc luôn có bàn tay của một người phụ nữ".
Mặc dù ở nước ta Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7-2008 nhưng hiện tượng bạo lực vẫn chưa thuyên giảm. Làm thế nào để đưa luật vào cuộc sống, ngăn chặn được tình trạng bạo lực gia đình. Số liệu khảo sát điều tra xã hội học cho biết: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%, gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%. Với tuổi thơ hậu quả là hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp.
Như vậy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình ở nước ta là do nhận thức về bình đẳng giới còn rất hạn chế, bất bình đẳng giới là gốc rễ của bạo lực gia đình, là sản phẩm của chế độ gia trưởng. Quan niệm về bất bình đẳng giới chính là sự phân biệt giữa nam giới và phụ nữ, đã đẩy chị em vào vị trí thứ yếu, phụ thuộc vào nam giới. Vì vậy nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình thường là phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó vẫn còn quan điểm phong kiến Phụ nữ phải phụ thuộc, thụ động và chỉ làm công việc nội trợ, nam giới là trụ cột trong gia đình, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng, định kiến như trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội và khả năng phát triển của chị em phụ nữ  trong gia đình và xã hội. Điều đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ phụ nữ và nam giới chưa nhận thức được sự bất bình đẵng này cũng như sự cần thiết phải thay đổi nó, chính vì thế, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra, và nhiều gia đình còn cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề của riêng gia đình họ không muốn sự can thiệp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng.
vì vậy để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sớm đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng, thiết nghĩ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình.
Thứ hai: Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình; vai trò của họ hàng, dòng họ. Bởi đây là truyền thống văn hoá của dân tộc sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong đời sống gia đình; làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình;
Thứ ba: Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; cần quan tâm xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma tuý để công nhận gia đình văn hóa.
Thứ tư: Phải xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình theo đúng quy định của Nghị định số: 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình.
Thứ năm: Thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành.
Như vậy để có gia đình bền vững được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình. Vì vậy đòi hỏi các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể xây dựng được quy chế, quy ước nhằm hạn chế mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột, tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
                                                                                
 

Tác giả bài viết: Bích Tuyển

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD