NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ - VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC XÃ HỘI QUAN TÂM

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ - VẤN ĐỀ  CẦN ĐƯỢC XÃ HỘI QUAN TÂM
Dân số và phát triển kinh tế có mối quan hệ biện chứng với nhau, tương tác và thúc đẩy nhau. Muốn tăng trưởng nền kinh tế thì phải dựa vào nguồn nhân lực, mà nguồn nhân lực lại gắn với với sự biến đổi dân số, hơn nửa mục đích cuối cùng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, mục tiêu này chỉ đạt được với một mức độ quy mô, tốc độ tăng trưởng, sự phân bố và nguồn nhân lực phù hợp.
Con người là động lực, là trung tâm của sự phát triển, vì thế để tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng nhằm phát huy tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Mối quan hệ hài hòa giữa dân số và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững nhằm tạo mức sống đầy đủ cho mọi người.
Chiến lược dân số giai đoạn 2010 – 2020 và các năm tiếp theo phải giải quyết được những thách thức vừa có tính búc xúc vừa có tính cơ bản như: tiếp tục giảm sức ép của sự gia tăng dân số tự nhiên, hạn chế sức ép tăng dân số cơ học, ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý để phát triển KT – XH và cải thiện đời sống nhân dân. Cần phải có những định hướng đúng đắn và những bước đi rõ ràng để đưa tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh về với cái ngưỡng bình thường là 105 bé trai/100 bé gái sinh ra còn sống. Để  làm được điều đó cần phải tăng cường công tác thông tin, giáo dục chuyển đổi hành vi. Giải quyết từng bước và có trọng điểm, từng yếu tố như chất lượng dân số, phân bổ dân cư và cơ cấu dân số hợp lý với điều kiện địa lý tự nhiên để làm cho nhân tố con người sẽ trở thành thế mạnh.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xã hội hóa và huy động, phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực của các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư từ Trung ương đến địa phương. Một yếu tố mang tính quyết định thắng lợi là cần phải có một bộ máy cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số đủ mạnh để quản lý, điều phối, kiểm tra dánh giá và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của dân số và phát triển. Việc tăng cường chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp là điều kiện tiên quyết, đảm bảo sự thành công cho các mục tiêu đề ra. Cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ cho chương trình dân số và phát triển, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng, các tổ chức cá nhân, gia đình và toàn xã hội để từng bước cải thiện và nâng cao hơn nửa nhận thức của mọi người về dân số và phát triển, kết hợp với việc thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chương trình dân số - KHHGĐ, chăm sóc SKSS, bình đẳng giới để người dân tự kiểm soát được hành vi sinh sản của mình dưới sự ủng hộ của gia đình và toàn xã hội.
Với mục tiêu thực hiện đồng bộ các nội dung KHHGĐ với yếu tố sức khỏe sinh sản, ngành dân số phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để nâng cao tuổi kết hôn, tuổi sinh con đầu lòng…tạo điều kiện để mỗi cá nhân trong cộng đồng có thời gian chuyển bị tốt hơn về mọi mặt như: sức khỏe làm mẹ; có thời gian nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp; đảm bảo thu nhập và các yếu tố xã hội khác; giảm khoảng cách giữa các lần sinh để duy trì sức lao động; giảm tỷ lệ có thai ngoài ý  muốn của người mẹ, đảm bảo dinh dưỡng và chăm sóc tốt trẻ sơ sinh góp phần làm hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em. Đảm bảo nguyên tắc tự nguyện của các cá nhân trong việc thực hiện KHHGĐ đồng thời khuyến khích nam giới chia sẽ trách nhiệm thực hiện KHHGĐ và nuôi dạy con cái.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần trong thời đại mới, ngành dân số cần phải có sự quyết tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn nửa để hoàn thành tốt mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã giao. Đồng thời cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các hội ở địa phương để tận dụng triệt để  lợi thế, tạo điều kiện cho việc xây dựng nguồn lực chất lượng cao, góp phần phát triển KT – XH của đất nước trong thời kỳ CNH – HĐH.
Công tác dân số - KHHGĐ chỉ thành công và thực sự vững chắc khi mỗi cá nhân, gia đình chủ động tự nguyện. Trước mắt cũng như lâu dài ngành dân số phải có trách nhiệm làm cho mỗi người dân hiểu được rằng: công tác dân số - KHHGĐ là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, thực hiện công tác DS – KHHGĐ là nâng cao chất lượng sống của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, mỗi người phải đặt lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình trong lợi ích của toàn xã hội bằng việc thực hiện gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Tác giả bài viết: Quang Đức

Nguồn tin: Trung Tâm DS-KHHGD Hớn Quản