Một số điều cần biết về Bệnh sán dây và các biện pháp phòng ngừa

Mẫu sán dây thu hồi tại phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng TPHCM ( ảnh tư liệu sưu tầm tại http://vncdc.gov.vn/ )

Mẫu sán dây thu hồi tại phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng TPHCM ( ảnh tư liệu sưu tầm tại http://vncdc.gov.vn/ )

Vừa qua, tại 3 xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước đã phát hiện những trường hợp nhiễm sán dây lợn. Khu vực địa phương này có tập quán chăn nuôi lợn thả rông, sinh hoạt của người dân liên quan nhiều đến nhiễm bệnh từ thịt lợn chưa nấu chín. Trong hơn 904 mẫu được Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM xét nghiệm đã có 108 mẫu nhiễm ấu trùng sán lợn, chiếm gần 12%. Kết quả đã phát hiện thấy các mẫu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao (50 – 70 nang ấu trùng/kg thịt). Các bộ phận như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng. Nhằm giúp mọi người biết về bệnh sán dây, xin cung cấp một số thông tin và các biện pháp phòng ngừa.
Bệnh sán dây là gì?
Bệnh sán dây bao gồm 2 loại là sán dây lợn và sán dây bò, thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh sán dây có thể ký sinh ở người dưới hình thức sán trưởng thành và ấu trùng.
Bệnh sán dây (Taeniasis) là do các loài sán dây trưởng thành gồm Taenia saginata, Taenia solium và Taenia asiatica ký sinh trong ruột gây nên.
Bệnh ấu trùng sán lợn (cysticercosis) là do những ấu trùng sán lợn ký sinh ở trong cơ, trong não, trong mắt người gây nên.
Bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5 - 12%; trong đó tỷ lệ nhiễm sán dây bò chiếm chủ yếu 70 - 80%, sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10 - 20%. Bệnh ấu trùng sán lợn phân bố rải rác ở ít nhất 55 tỉnh/thành trong cả nước, tỷ lệ nhiễm khoảng 5 - 7%.
Về hình thái, sán trưởng thành: sán dây thường dài từ 2 - 4 mét, có khi tới 8 - 10 mét. Nhìn bên ngoài, sán dây có hình thể như một dải băng và có 3 phần: phần đầu là một hình cầu mang những mồm hút và bộ phận bám, phần cổ thường thắt lại và không có đốt, phần thân gồm nhiều đốt và những đốt tùy theo độ trưởng thành có sự phát triển khác nhau. Ở ấu trùng sán dây lợn, khi phát triển đầy đủ, ấu trùng là một túi giống như hạt đu đủ mọng nước, chiều dài 15mm, chiều ngang 7 - 8mm, hình dạng của ấu trùng có thể thay đổi tùy theo nơi ký sinh. Ở những cơ chắc, ấu trùng có hình kéo dài nhưng ở những bộ phận có cấu trúc lỏng lẻo ấu trùng lại có hình cầu.
Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài:
Đối với sán dây nằm trong đốt sán nên khó bị phá vỡ, chỉ khi nào đốt sán thối rữa mới giải phóng trứng; cũng như trứng giun đũa, trứng sán dây ra môi trường nhiệt độ ánh sáng trên 70 độ C mới có khả năng diệt trứng.
Ấu trùng sán dây lợn bị giết chết ở dưới -2 độ C, nhưng ở 0 - 2 độ C nó sống được gần 2 tháng và nhiệt độ phòng thí nghiệm cũng sống được 26 ngày. Ấu trùng bị giết chết ở 45 - 50 độ C nhưng để đảm bảo an toàn phải đun sôi trên 1 giờ.
Nguồn truyền nhiễm:
Sán dây trưởng thành sống ở ruột non của người; ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở trong tổ chức của một số động vật có vú như người, lợn, lợn rừng, trâu, bò, lạc đà, cừu, dê, ngựa, thỏ, chó, mèo.
Thời gian ủ bệnh ở sán dây trưởng thành khoảng 8 - 10 tuần, ở ấu trùng sán dây lợn khoảng 9 - 10 tuần.
Thời kỳ lây truyền: sau khoảng 10 tuần, sán trưởng thành sống trong ruột non của người, những đốt sán già tự rụng đi ngoài hậu môn hoặc theo phân bài tiết ra ngoài.
Phương thức lây truyền:
Người ăn phải thịt lợn, bò có ấu trùng sán (nang sán) chưa được nấu chín sẽ phát triển thành sán dây lợn/bò trưởng thành ký sinh ở ruột non của người. Người ăn phải trứng sán dây lợn, trứng sẽ phát triển thành nang trùng sán trong cơ thể.
Cơ thể người rất ít có miễn dịch với bệnh sán dây trưởng thành và ấu trùng nên rất dễ lây nhiễm sang người nếu có thói quen ăn thịt tái, sống, ăn tiết canh. Bệnh ấu trùng sán dây lợn thường gặp ở những vùng có sử dụng phân tươi để bón cây trồng.
Khi bị nhiễm sán dây trưởng thành cơ thể xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ, người bệnh thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt. Khi nhiễm ấu trùng sán tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có các biểu hiện khác nhau (có các nốt ở dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; hoặc có thể bị động kinh, liệt tay, chân hoặc nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù nếu có nang sán ở mắt.
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm sán dây:
Để phòng ngừa nhiễm sán dây ở người, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không bảo đảm vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
- Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn (heo).
Khi thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng của bệnh, cần đến cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra đối với sức khỏe. Đồng thời, có biện pháp phòng tránh lây lan bệnh cho gia đình và cộng đồng.

Tác giả bài viết: Đỗ Hoa

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD