Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sắp đi vào cuộc sống

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh, thể hiện qua 3 tiêu chí: Mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người và ở nam giới; Tỷ lệ người dân có uống rượu, bia; Tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ. Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ sáu đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.
Tòa cảnh hội thi về tác hại của thuốc lá
Rượu, bia từ lâu đã trở thành nét văn hóa của mỗi gia đình nhất là các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, ngày nay việc ngày càng gia tăng việc sử dụng lạm dụng rượu, bia, nhất là với giới trẻ đã gây ra những ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế. Vì vậy, cần có cơ chế quản lý khác với các hàng hóa thông thường theo hướng phòng ngừa, hạn chế tác hại ngay từ khi con người tiếp cận sản phẩm này.
Về mặt tác hại, uống rượu bia gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại với cả người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu bia... Nhiều bệnh tật diễn ra từ từ và kéo dài như gây tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia…) hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội. Việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong kiểm soát một trong những yếu tố nguy cơ chính trong các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam.
Những điểm mới và tiến bộ của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác ở châu Âu, có nơi vẫn có quy định cho ngưỡng dao động 0,2 đến 0,5 mg/lít khí thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Về giảm tính sẵn có của rượu bia, hiện nay, Luật đang đưa ra quy định một số điểm không được bán rượu, bia tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở vui chơi, giải trí, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội, nơi làm việc của các cơ quan, các địa điểm công cộng…
Luật cũng nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe…
Đối với tất cả cơ sở bán rượu, bia phải dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Khoản 5 Điều 32 của Luật chỉ rõ: “Cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”. Các điểm bán rượu, bia (quán bia, nhà hàng có phục vụ rượu, bia… không được mở mới các điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
Ngoài ra, Luật cũng có biện pháp kiểm soát giảm tiêu thụ rượu bia như việc quy định trách nhiệm chủ phương tiện, chủ kinh doanh phương tiện vận tải trong việc kiểm soát các lái xe phương tiện của mình không được uống rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông.
Kể từ 01/01/2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia của nước ta chính thức có hiệu lực thi hành. Còn ít ngày nữa, Luật này sẽ đi vào cuộc sống. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và kể cả gia đình cần chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến những quy định của Luật. Để thay đổi thói quen đã đi vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân cần cả một quá trình lâu dài và liên tục. Vấn đề được ưu tiên để giảm tác hại của rượu bia là giáo dục và truyền thông. Mục đích giảm tính sẵn có của rượu bia để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai tiếp cận với rượu bia. Đồng thời, cần tăng cường quản lý sản xuất rượu bia ở các cơ sở thủ công, hộ gia đình. Các gia đình, cha mẹ và người lớn cũng cần có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở con cái không uống rượu, bia, nhắc nhở người thân hạn chế uống rượu, bia trong các buổi liên hoan… Đồng thời, kỹ năng từ chối, ứng xử, xử lý các tình huống khi gặp người say rượu, bia cũng rất cần thiết.

Tác giả bài viết: Đỗ Hoa