Lộc An: Bước tiến trong công tác dân số – KHHGĐ

Lộc An có 9 ấp với 1741 hộ và 7186 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 2798 khẩu, chiếm tỷ lệ 38,9%, tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng là 1498 người, người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
Trong những năm qua công tác DS-KHHGĐ ở Lộc An còn gặp nhiều khó khăn  như: tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên cao, tỷ lệ áp dung các biện pháp tránh thai hiện đại còn thấp. Từ những khó khăn trên,  Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các Chi bộ và Ban điều hành thôn, ấp tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, lồng ghép công tác dân số- KHHGĐ vào cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và coi đây là một tiêu chí bắt buộc để đánh giá, xếp loại thôn, ấp cuối năm. Do có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền và có sự vào cuộc các ban ngành, đoàn thể, sự nhiệt tình hưởng ứng của người dân và đặc biệt là sự nhiệt tình tâm huyết của đội ngũ CTV  nên công tác Dân số- KHHGĐ của xã đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Đăng - Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ thì việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ là rất quan trọng, mặc dù trong giai đoạn hiện nay là hết sức khó khăn. Địa bàn xã Lộc An rộng, đường sá đi lại khó khăn, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 38,9%, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trong đó vẫn còn tồn tại một số phong tục tập quán cũ, lạc hậu như: Sinh nhiều con để lấy sức lao động; phong tục phải có con trai để nối dõi tông đường… Song với sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Nghị quyết HĐND, UBND xã về công tác DS-KHHGĐ nên xã đã thành lập Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đồng chí cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ xã làm phó ban và các thành viên là trưởng các ban ngành, đoàn thể có liên quan và trưởng Ban điều hành các ấp là thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các địa bàn thôn, ấp; đồng thời phối hợp tốt với các ấp tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ nên hàng  năm đều hoàn thành chỉ tiêu do cấp trên giao.
Song song với việc triển khai các hoạt động của Ban chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ, hàng năm xã còn dành một phần kinh phí để hỗ trợ cho công tác DS-KHHGĐ. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2013 xã đã trích một phần kinh phí đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ với số tiền là 3.060.000 đồng trong đó hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên (CTV) làm công tác DS-KHHGĐ tại thôn, ấp 30.000đồng/1CTV/quý, đặc biệt ngoài kinh phí của Trung ương và địa phương hỗ trợ cho các đối tượng đình sản và người tham gia vận động đối tượng đình sản, xã còn hỗ trợ bình quân cho 1 ca đình sản thành công là 500.000 đồng. Với phần kinh phí mặc dù chưa lớn nhưng đã tác động tích cực tới công tác DS-KHHGĐ ở xã nhà và đã thể hiện được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ.
Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và sự tâm huyết của đội ngũ CTV thôn, ấp mà công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người dân tham gia thực hiện chính sách Dân số- KHHGĐ được triển khai trên cả diện rộng lẫn chiều sâu và bằng nhiều hình thức như: Đội ngũ CBCT, CTV thường xuyên đi đến các hộ gia đình tư vấn về KHHGĐ; lồng ghép công tác Dân số- KHHGĐ vào các buổi sinh hoạt của Chi hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn thanh niên, các buổi họp dân…; thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã.
Từ những hoạt động trên mà công tác DS- KHHGĐ xã Lộc An trong những năm qua đã gặt hái được những kết quả như: số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 1085 cas chiếm tỷ lệ 72,4%; tỉ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,4 %; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ngày một giảm. Đến với Lộc An hôm nay ta thấy những ngôi nhà khang trang mọc lên, những em nhỏ vui vẻ tung tăng cắp sách đến trường có một phần nào đó sự đóng góp của công tác Dân số- KHHGĐ vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Tác giả bài viết: Văn Dương

Nguồn tin: Trung tâm Dân số - KHHGĐ Lộc Ninh