Làm gì để biến “ cơ hội dân số vàng” thành vàng thực sự

Mỗi một cộng đồng dân cư, mỗi một quốc gia trong suốt quá trình phát triển chỉ duy nhất và duy nhất có được cơ hội “ cơ cấu dân số vàng”. Cộng đồng dân cư nào quốc gia nào biết tận dụng được cơ hội này thì quốc gia dân tộc đó sẽ cất cánh còn ngược lại, sẽ là một lãng phí vô cùng to lớn và là gánh nặng cho sự phát triển của xã hội.
Bác sỹ bạch Sỹ Long – Chi cục trưởng – Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch tăng cường năm 2013
Thực tế cho thấy, cơ hội dân số vàng không tự động, không tất yếu mang lại tác động tích cực và nó phải giành lấy để đẻ ra lực lượng lao động vàng đưa quốc gia, dân tộc đó phát triển nhanh và bền vững. Nếu giai đoạn dân số vàng diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; hạ tầng xã hội định hướng và chuẩn bị tốt vị trí làm việc làm việc chô người lao động, thì lực lượng vàng sẽ tạo động lực cất cánh cho nền kinh tế. Ngược lại sẽ là một sự lãng phí lớn nguồn lao động. Từ đó “ cơ hội vàng ” không biến thành “vàng” thực sự mà sẽ tạo ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác, như thiếu việc làm, giá trị tích lũy thấp. “ Dân số vàng” là thời kỳ cơ cấu dân số thể hiện số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng cao hơn số người phụ thuộc. Đây là thời kỳ duy nhất trong quá trình dân số, thông thường giai đoạn này thường kéo dài khoảng 39-45năm tùy theo điều kiện quốc gia.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử, viện trưởng viện dân số và các vấn đề xã hội  khái niệm “ Cơ cấu dân số vàng” được hiểu là khi người trong độ tuổi lao động ( 15-60) phải “ Gánh’, hoặc ít hơn 01 người ăn theo, tức là số người trong độ tuổi lao động tăng 16%, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm hơn một nữa và nước ta đã thực sự bước vào giai đoạn “ Cơ cấu dân số vàng ” kể từ năm 2006.
          Như vậy, nước ta đã trải qua cơ hội dân số vàng được gần một thập kỷ nhưng nhìn lại chúng ta đã tận dụng được gì? Quá ít nếu không muốn nói là chưa có gì. để biến cơ hội “ Cơ cấu dân số vàng” thành vàng thực sự, thì khoảng 20 năm trước vào thập kỷ 80 chúng ta nên bắt đầu vào cuộc. Nhưng tiếc thay, chúng ta chưa có đủ điều kiện để sẵn sàng nắm bắt cơ hội này.
 Vào thời điểm đó đáng ra ngành dân số phải dự đoán, cảnh báo, tuyên truyền: Ngành giáo dục phải tổ chức đào tạo cung cấp tri thức và đảng, chính phủ phải định hướng và chuẩn bị điều kiện hạ tầng thật đầy đủ để khi thời cơ đến là tất cả mọi thứ đều có thể vận hành một cách thuận lợi thì chắc chắn hôm nay chúng ta đã biến cơ hội vàng thành vàng thực sự.
Tuy nhiên vẫn chưa phải là đã hết, chúng ta còn lại khoảng 30 năm nữa để tận dụng cơ hội này. Để không bị tuột mất, không muốn lạc hậu so với thế giới chúng ta cần:
Hướng đến nền giáo dục miễn phí cho các cấp học phổ thông. Đặc biệt, miễn phí hoàn toàn (học phí, phí xây dựng trường, quỹ trường, quỹ lớp, sách giáo khoa, dụng cụ học tập…) cho những trường học ở vùng sâu vùng xa (nông thôn, miền núi, hải đảo) – nơi có nền kinh tế khó khăn.
Đào tạo kỹ năng cho học sinh ngay từ cấp tiểu học. Giáo viên có thể cung cấp các tài liệu, hướng dẫn phương pháp học tập, kết hợp với việc giảng dạy các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Tạo điều kiện để học sinh tự khám phá, tìm hiểu và đưa ra những suy nghĩ của riêng mình. Hạn chế, khắc phục tình trạng yếu kém trong thực tiễn giáo dục Việt Nam hiện nay như tình trạng thầy đọc trò chép, chương trình học quá tải, cứng nhắc, dạy thêm học thêm tràn lan…Việc hình thành khả năng tư duy, sự tự tin ngay từ cấp tiểu học sẽ là chìa khóa thành công cho con đường học vấn và sự nghiệp của các em sau này.
Đưa giáo dục hướng nghiệp trở thành một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo trung học cơ sở và trung học phổ thông. Để tránh việc quá tải do tiếp nhận thêm một môn học vào chương trình đào tạo, có thể lồng ghép giáo dục hướng nghiệp vào bộ môn giáo dục công dân lớp 8 và lớp 11. Đây chính là biện pháp “hữu hiệu” khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” tồn tại trên thị trường lao động.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề để nâng cao chất lượng và tính chuyên sâu của việc dạy và học nghề, sự hợp tác với các nước có nhiều kinh nghiệm. Đó là sự đào tạo ra những người thợ chín chắn về tay nghề, giỏi về kỹ năng để có thể làm việc ở bất cứ doanh nghiệp nào thuộc lĩnh vực đào tạo. Chính vì vậy, thúc đẩy việc hợp tác đào tạo với những cơ sở đào tạo nghề có kinh nghiệm ở nước ngoài như nước Đức chẳng hạn là        rất cần thiết.
Siết chặt việc mở rộng quy mô của các cơ sở đào tạo, đưa hệ thống đào tạo ở các trường đi đúng theo chức năng.
Quy hoạch cụ thể việc đào tạo theo địa chỉ. Thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa hệ thống đào tạo và thị trường lao động. Để từ đó đưa ra chỉ tiêu và tiến hành đào tạo đúng địa chỉ theo đơn đặt hàng. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
Tập trung đào tạo ngoại ngữ, phổ biến pháp luật và kỹ năng làm việc cho lao động xuất khẩu, nhất là thanh niên nông thôn. Tạo điều kiện cho lao động phổ thông có thể tiếp cận được với thị trường lao động của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là với những nước có trình độ phát triển cao và đang có nhu cầu thu hút lao động cho các ngành nghề sản xuất.

Tác giả bài viết: BS. Bạch Sỹ Long