KHÁM PHỤ KHOA ĐỊNH KỲ BẢO VỆ SỨC KHỎE SINH SẢN

Bệnh phụ khoa là một cách nói chung về các bệnh liên quan tới các cơ quan sinh dục nữ, bao gồm các bệnh viêm nhiễm cơ quan sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung) và cơ quan sinh dục trên (tử cung, tai vòi và buồng trứng)... Nói là phần phụ nhưng thực ra đây là bộ phận quan trọng ảnh hưởng đến không chỉ sức khỏe sinh sản, thiên chức làm mẹ mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và chất lượng cuộc sống.
KHÁM PHỤ KHOA ĐỊNH KỲ BẢO VỆ SỨC KHỎE SINH SẢN

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến mắc bệnh phụ khoa.
            Thứ nhất, do vệ sinh kém, không giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục tốt hoặc do điều kiện lao động thường xuyên ngâm mình trong nước sẽ khiến cho vi khuẩn, nấm phát triển nhanh, tấn công và gây nhiễm khuẩn âm hộ - âm đạo. Hoặc do vệ sinh quá sạch sẽ, rửa nhiều lần trong ngày, vệ sinh quá sâu bên trong, dẫn đến mất cân bằng môi trường âm đạo, vi khuẩn có hại có nhiều cơ hội tấn công.
            Thứ hai, bệnh phụ khoa lây nhiễm qua sinh hoạt tình dục. Nam giới có thể lây cho nữ giới qua quan hệ tình dục và ngược lại. Các loại nấm, vi khuẩn, vi rút lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia, Trichomonas, trùng roi, lậu cầu khuẩn, trực khuẩn, xoắn khuẩn, các vi khuẩn kị khí, vi rút herpes sinh dục… xâm nhập vào tử cung gây phá hủy sự cân bằng hệ vi sinh vật, giảm chức năng tuyến phòng thủ của âm đạo. Do vậy, quá trình điều trị cần điều trị cả 2 vợ chồng (đối với những người đã có quan hệ tình dục) để tránh lây nhiễm qua lại khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần.
            Ngoài ra, các nguyên nhân khác như: stress (do stress đã làm suy yếu hệ miễn dịch), thay đổi môi trường đột ngột, các thủ thuật phụ khoa không an toàn (dụng cụ đặt tránh thai, nạo hút thai…), phụ nữ ở tuổi mãn kinh…
Các bệnh phụ khoa rất thường gặp và có nguy cơ tái đi tái lại ở phụ nữ. Nghiêm trọng hơn là các bệnh do u nang, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì càng gây khó khăn cho quá trình điều trị do bệnh tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị lâu hơn và chắc chắn là cũng tốn nhiều tiền bạc. Chủ quan không tới phòng khám phụ khoa vì tâm lý e ngại, mắc cỡ, chủ quan vì nghĩ mình không mắc bệnh nên không cần đi khám mà không ít trường hợp tự mua thuốc về điều trị … là tình trạng chung của nhiều chị em phụ nữ. Cũng chính vì thế, có những bệnh viêm nhiễm không những không khỏi dứt điểm mà nguy cơ tái đi tái lại là rất cao.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh phụ khoa nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến khả năng sinh sản ở nữ giới. Bởi thế, các chị em cần có những kiến thức cơ bản để có cách phòng tránh bệnh phụ khoa hiệu quả:
-    Không quan hệ tình dục khi bị mắc bệnh phụ khoa, quan hệ chung thủy, nên sử dụng các biện pháp an toàn như dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.
-    Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách không thụt rửa quá sâu, quá nhiều lần trong ngày, thường xuyên thay băng vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, không mặc quần chật.
-    Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không sử dụng các chất kích thích, bổ sung nhiều thực phẩm tốt cho cơ thể.
-    Tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
-    Tránh tình trạng tái phát lại nhiều lần, chị em cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sỹ, không bỏ dở hay ngắt quãng khi đang đi điều trị.
Theo khuyến cáo của các bác sỹ chuyên khoa, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ ít nhất 1 lần/năm, còn đối với những người có tiền sử mắc các bệnh phụ khoa thì nên đi khám 6 tháng/lần. Nhưng khi thấy có bất thường ở vùng kín như ngứa, rát, đau bụng, ra nhiểu huyết trắng, ra kinh bất thường... nên khám ngay. Trước khi đi khám, chị em nên vệ sinh sạch sẽ phía ngoài âm hộ, kiêng giao hợp 1 đến 2 ngày, không đặt thuốc âm đạo và chuẩn bị sổ khám (đối với trường hợp tái khám), chi phí khám.
Khám phụ khoa định kỳ, chị em phụ nữ không chỉ được thăm khám, điều trị bệnh mà còn được cán bộ y tế tư vấn về sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả, cách giữ vệ sinh cá nhân, phát hiện được những rối loạn về nội tiết, tâm lý… để từ đó có phương hướng điều trị kịp thời. Qua việc thăm khám phụ khoa, chị em sẽ được kiểm tra tổng thể cơ quan sinh dục dưới và trên, từ đó chủ động trong việc phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh, giúp quá trình điều trị chủ động, dễ dàng, ít tốn kém hơn. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm như: soi tươi, nhuộm và cấy huyết trắng, siêu âm, soi cổ tử cung và nhất là phết tế bào âm đạo Pap smear để chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư cổ tử cung.
Việc khám phụ khoa định kỳ không chỉ giúp phòng ngừa các bệnh phụ khoa mà còn là chìa khóa giúp chị em bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và hạnh phúc của gia đình mình.
 

Tác giả bài viết: Đ.H

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD