KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH - MỘT HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC

Kế hoạch hóa gia đình là các hoạt động có ý thức của các cặp vợ chồng nhằm điều chỉnh số sinh, khoảng cách sinh và ý định có thai hay không có thai. Như vậy thực hiện kế hoạch hóa gia đình sẽ đạt được nhiều mục tiêu mong muốn của đất nước và của gia đình. Với đất nước, kế hoạch hóa gia đình sẽ giúp đạt được những mục tiêu Dân số ở mỗi giai đoạn phát triển. Khi tình trạng dân số tăng nhanh kế hoạch gia đình hạn chế những sức ép của dân số tăng nhanh tới các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, môi trường; từ đó giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung.
Ở phạm vi gia đình kế hoạch hóa gia đình mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giãn khoảng cách giữa các lần sinh, tránh thai ngoài ý muốn từ đó nâng cao sức khỏe bà mẹ; tăng chi phí cho con đi học, có nhiều điều kiện quan tâm đến con cái một cách công bằng, có nhiều thời gian để vui chơi giải trí; KHHGĐ còn giúp nâng cao sức khỏe bà mẹ do không phải mang thai nhiều, hạn chế những biến chứng của quá trình mang thai.
Trong những năm gần đây đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể, nhiều gia đình kinh tế khá giả vẫn sinh nhiều con. Mặc dù nhận thức được lợi ích của kế hoạch gia đình đối với gia đình và đất nước tuy nhiên họ vẫn sinh thêm con  dù có nơi đã bị xử lý kỷ luật. Nguyên nhân của tăng dân số do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan; việc sát nhập của hệ thống tổ chức làm công tác Dân số - KHHGĐ về ngành y  tế chậm được củng cố kiện toàn, công tác quản lý điều hành bị gián đoạn buông lỏng, chế độ bồi dưỡng và khen thưởng của đội ngũ cán bộ cộng tác viên dân số còn thấp, đội ngũ cán bộ dân số có biểu hiện dao động, chưa yên tâm công tác, những tư tưởng nho giáo muốn đông con và phải có con trai để nối dõi tông  đường, có nếp, có tẻ…
Cách đây 56 năm vào năm 1961, Chính phủ đã ban hành quyết định số 216/CP ngày 26/12/1961 về việc: “Sinh đẻ có hướng dẫn”,  với mục tiêu “vì sức khỏe của bà mẹ, vì hạnh phúc hòa thuận trong gia đình và nuôi dạy con cái được chu đáo”, góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xóa đói giảm nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt.
Từ nhận thức: Công tác Dân số - KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước; là một trong những vấn đề kinh tế xã hội hàng đầu của nước ta; là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và từng xã hội… Công tác Dân số - KHHGĐ từ đầu năm 1993 đến trước những năm gần đây đã có những chuyển biến đáng kể. Tốc độ tăng dân số quá nhanh về cơ bản đã được khống chế, nhờ đó áp lực của quy mô dân số đối với sự phát triển kinh tế xã hội đã được gảm nhiều. Nhờ giảm tốc độ gia tăng dân số, chúng ta đã tiết kiệm được một khối lượng lớn các nguồn lực mà lẽ ra phải chi cho ăn, mặc ở, đi lại, giáo dục, y tế và giải quyết công ăn việc làm…
Tuy nhiên, nếu xét toàn diện về công tác Dân số trên 3 mặt: quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số thì rõ ràng chất lượng của nước ta chưa đạt yêu cầu như mong muốn của Đảng và Nhà nước và cũng chưa đạt yêu cầu Chiến lược dân số toàn cầu do Liên hiệp quốc đề ra. Thậm chí mấy năm gần đây do thỏa mãn với những thành tích đã đạt, do chưa hiểu thấu đáo về pháp lệnh Dân số nên số người sinh con thứ 3 lại càng tăng; tỷ suất sinh hàng năm vượt qua con số mà dự kiến kế hoạch đã định và tỷ lệ tỷ vong ngày càng tăng; tuổi thọ bình quân có chiều hướng giảm do số người chết do tai nạn giao thông và chết do các tệ nạn xã hội ngày nhiều. Đây là những tồn tại rất lớn mà công tác Dân số - KHHGĐ cần được khắc phục kịp thời.
Trước thực trạng ấy mục tiêu tổng quát của chính sách dân số là: “Thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh tiến tới ổn định quy mô dân số ở mưc hợp lý để có cuộc sống ấm no hạnh phúc; nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu CNH – HĐH góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước… ”
Dân số và phát triển kinh tế xã hội luôn có mối quan hệ quan hệ biền chứng, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Muốn tăng trưởng kinh tế thì yếu tố đầu tiên phải là con người và phải là con người có sức khỏe và trí tuệ. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt khi chất lượng dân số được nâng cao, quy mô, tốc độ tăng trưởng, sự phân bố dân cư và nguồn nhân lực phù hợp với đạc điểm kinh tế ở mỗi vùng địa phương.
Để khắc phục những khó khăn trên, những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ công tác dân số - KHHGĐ đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần thiết vào công cuộc xóa đói giảm nghèo đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế xã hội.
Hoạt động truyền thông tư vấn cộng đồng sinh hoạt câu lạc bộ thuộc các nhóm đối tượng phụ nữ thanh niên, nông dân, hội thi CTV… đã phát huy được hiệu quả tốt. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân hưởng ứng tích cực, hương ước, quy ước thôn làng đã có tác động mạnh đến công tác Dân số.
Bên cạnh đó tại các địa phương thì có sự phối kết hợp giữa các ban, ngành đoàn thể xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan đến dân số và phát triển, đăng ký số dân…. Trong quá trình thực hiện đã kết hợp lồng ghép các hoạt động dân số với các chương trình kinh tế xã hội khác như vay vốn, khuyến nông, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt là chính sách xóa đói giảm nghèo, xóa nhà đột nát, chính sách ưu tiên trợ giúp cho các nhóm đối tượng khó khăn được quan tâm hơn đã tác động đáng kể đến nâng cao chất lượng Dân số, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo vươn lên đủ ăn, khá giả mua sắm nhiều tiện nghi, phương tiện đắt tiền.
Điểm nổi bật trong công tác Dân số - KHHGĐ hiện nay là việc tổ chức rộng rãi các hình thức đăng ký thực hiện KHHGĐ đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đồng thời coi trọng khuyến khích cá nhân, đơn vị tự giác thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số. Các quy định chính sách phù hợp được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo dư luận xã hội có lợi cho việc thực hiện các mục tiêu dân số - KHHGĐ.
Công tác cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ được chú trọng, ngày càng thuận lợi, an oàn, hiệu quả và đảm bảo tính riêng tư nên đã từng bước được đáp ứng nhu ầu người sử dụng. Do thực hiện tốt chính sách dân số nên đã kiểm soát được tốc đọ gia tăng dân số; tỷ lệ tăng dân số ổn định. Các chương trình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được các cấp các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện. Dân số của mỗi quốc gia hoặc mỗi địa phương thực sự có liên quan rất mật thiết đến sự phát triển của quốc gia, địa phương đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD