Hơn 3 năm triển khai Đề án 818, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc

- Sau hơn 3 năm triển khai Đề án 818, những tỉnh triển khai đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tỉnh chưa thực sự vào cuộc. Chuyển biến sau 3 năm triển khai Ngày 14/10, tại Quảng Bình, Tổng cục DSKHHGĐ, Ban Đề án 818 đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Đề án giai đoạn 2016 - /2019 và triển khai quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế và Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030.
Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng cục DS –KHHGĐ phát biểu tại hội nghị. Ảnh PT
Tham dự có ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng cục DS –KHHGĐ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án; Lãnh đạo các Vụ, đơn vị Tổng Cục; Lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ 33 tỉnh, thành phố…
 
Báo cáo tình hình triển khai Đề án 818 sau hơn 3 năm triển khai (từ 2016 – 8/2019), Ths.BS Phạm Hồng Quân – Giám đốc Ban quản lý Đề án 818 cho biết, thời gian qua Đề án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố; sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể; sự đầu tư có hiệu quả của các nhà tài trợ, của nhà nước và địa phương. Đặc biệt sự tham gia tích cực của hệ thống dân số các cấp, của đội ngũ cán bộ y tế nên đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với công tác xã hội hóa, gần 7,6 triệu đơn vị sản phẩm của 11 mặt hàng với sự tham gia của 7 công ty được phân phối, góp phần tăng số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho người dân trong tình hình mới. 
Thời gian tới, dự kiến thêm 03 sản phẩm trong đó có Roman-K được đưa vào phân phối trong chương trình. Qua đó, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước gần 51 tỉ đồng cho việc chi phí mua sản phẩm.
Bên cạnh đó, huy động ngân sách địa phương 45,5 tỉ đồng bổ sung cho các hoạt động thực hiện Đề Án 818 tại địa phương. Các doanh nghiệp hỗ trợ các hoạt động tập huấn, truyền thông…gần 6 tỉ đồng. Thu nhập của các cộng tác viên, hệ thống phân phối sản phẩm đạt hơn 15,2 tỉ đồng tập trung ở 10 tỉnh thành như Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Bắc Giang…
Đẩy mạnh triển khai ở những địa phương chưa thực hiện
Phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng cục DS –KHHGĐ đánh giá cao những kết quả mà Đề án 818 đã đạt được. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu do một số cấp ủy, chính quyền đôi khi còn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của địa phương, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác y tế, dân số. Hiện nay vẫn còn các tỉnh,thành phố chưa triển khai Đề án; 17/63 tỉnh/thành phố chưa phê duyệt Đề án/Kế hoạch triển khai; mới chỉ có 23/63 tỉnh/thành phố có kế hoạch đầu tư hỗ trợ cho Đề án với kinh phí khoảng 45,5 tỷ đồng.
Phát huy những kết quả đạt được và hạn chế những bất cập của Đề án 818 giai đoạn vừa qua, ngày 25 tháng 02 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 718/QĐ-BYT về việc "Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030" (Đề án 818) đáp ứng tình hình mới, trong đó chú trọng xã hội hóa phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, chăm sóc sức khỏe tình dục, xây dựng và triển khai Chương trình sàng lọc, kiểm soát, quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng, từng bước mở rộng nội dung, địa bàn để triển khai thực hiện trong phạm vi toàn quốc.
Thực hiện nhiệm vụ này, ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh, với các tỉnh thành phố chưa phê duyệt Đề án xã hội hóa cần khẩn trương phối hợp các sở, ngành có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai, chậm nhất trong Quý IV/2019. Ở những tỉnh thành đã phê duyệt và triển khai Đề án 818 cần tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố và Bộ Y tế phương án nâng cao hiệu quả, kết quả thực hiện Đề án 818 theo tinh thần Quyết định số 718/QĐ-BYT, ngày 25 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ngoài ra, các tỉnh/thành phố chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Đề án 818 Trung ương tổ chức, huy động sự tham gia của các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập đủ điều kiện tham gia Đề án 818; xây dựng hệ thống đảm bảo cho việc dự phòng, sàng lọc, kiểm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ và khả năng chuyên môn đã được quy định.
Sau hơn 3 năm triển khai, ở những tỉnh thực hiện đã có những chuyển biến nhận thức rất rõ nét song vẫn còn một số tỉnh thành chưa thực sự vào cuộc, chưa triển khai đề án xã hội hóa vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của Đề án. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh hơn sự vào cuộc của các tỉnh này. Hơn nữa, cần huy động thêm được nhiều công ty nhằm đa dạng các loại PTTT/SKSS để đưa vào phân phối hiệu quả trong Đề án.
Hướng dẫn địa phương triển khai kế hoạch hoạt động Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS đến năm 2030, ông Đỗ Ngọc Tấn cho hay, các sản phẩm và hoạt động triển khai Đề án trong giai đoạn tới cần tập trung vào 4 mục tiêu là phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, xem xét sức khỏe tình dục, sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Các tỉnh cần phải thực hiện xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có trong Đề án từ tỉnh xuống huyện, xã đến tận cộng tác viên dân số. Để cộng tác viên dân số, y tế thôn bản tham gia vào cả hai hệ thống phân phối sản phẩm và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, cần có sự sàng lọc các cộng tác viên dân số, y tế thôn bản là người nhiệt tình, có chuyên môn nghiệp vụ tham gia mới triển khai được tốt. Thứ hai, cần thiết đưa công nghệ để sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung ngoài sản phẩm dự phòng. Các công ty, doanh nghiệp đưa thêm các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới vào…
 
Để giúp các tỉnh thực hiện tốt chương trình, tại hội nghị các đại biểu cũng đã được giới thiệu một số nội dung về chương trình sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng; Giới thiệu một số sản phẩm, công nghệ mới trong lĩnh vực sàng lọc, tầm soát và kiểm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: Theo gia đình net