Hội thảo liên ngành triển khai các hoạt động phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm tỉnh Bình Phước

Ngày 30/10/2018 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, Ban Quản lý dự án An ninh Y tế khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội thảo liên ngành triển khai các hoạt động phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm. Đại diện Ban quản lý dự án tỉnh, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Chi cục Dân số KHHGĐ và cán bộ các khoa, phòng có liên quan của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế huyện, thị đã tham dự.
Hội thảo liên ngành triển khai các hoạt động phòng chống dịch,  bệnh truyền nhiễm tỉnh Bình Phước
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình một số bệnh truyền nhiễm 10 tháng năm 2018 diễn biến khá phức tạp. Một số bệnh có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2017 như Viêm gan siêu vi B giảm 82%, viêm gan siêu vi A, C giảm 64%, bệnh dại giảm 50%, uốn ván sơ sinh giảm 67%, tay chân miệng giảm 16% (1.066 ca mắc), viêm não virus giảm 20%... Bên cạnh đó, một số bệnh khác gia tăng so với cùng kỳ: sốt xuất huyết có 3.126 ca mắc, tăng 49%, thủy đậu 205 ca tăng 52%, ho gà 20 ca tăng 150%, sởi/sốt phát ban nghi sởi ghi  nhận 34 ca, tăng 3.300%, số ca mắc sốt rét 1.102 ca tăng 36%, tại 6/11 huyện, thị có số ca mắc sốt rét tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó có 1 ca mắc sốt rét ác tính, giảm 66,66%. Riêng sốt xuất huyết, toàn tỉnh ghi nhận 3.126 ca, tăng 49% so với cùng kỳ. Có 7/11  huyện, thị có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao như: Thị xã Bình Long tăng 439%, Đồng Phú tăng 128%, Chơn Thành tăng 94%, Đồng Xoài tăng 79%, Bù Đăng tăng 5%, Hớn Quản tăng 35% và Phú Riềng tăng 24%. Tuy có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao nhưng trên địa bàn không để xảy ra dịch sốt xuất huyết, trong tháng 10 năm 2018 đã phát hiện và xử lý kịp thời 173 ổ dịch chiếm 93,01%. Hiện tại, Bình Phước đã ra khỏi điểm nóng về sốt xuất huyết.
Tình hình mắc tay chân miệng trên địa bàn toàn tỉnh giảm 16%, không có ca tử vong, số ca mắc giảm ở hầu hết các huyện, thị, riêng Chơn Thành tăng 45%, Bình Long tăng 2%, số ca mắc tập trung  ở nhóm trẻ từ 0 – 3 tuổi với 987 ca mắc (chiếm 92,58%).
Tại Hội thảo, bác sỹ Nguyễn Văn Sáu – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, công tác phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm vẫn còn những khó khăn nhất định do lượng dân di cư tự do đến Bình Phước làm ăn, gây khó khăn cho công tác quản lý đối tượng cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm (sốt rét, sốt xuất huyết…); Kinh phí các chương trình thuộc dự án y tế - dân số và kinh phí phòng chống phê duyệt trễ, không đáp ứng được kịp thời cho công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm; Trợ cấp dành cho lực lượng y tế thôn bản tại cơ sở còn thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền vận động tại cộng đồng. Bác sỹ Nguyễn Văn Sáu cũng đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, nhất là ngành giáo dục để giảm số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết trong thời gian tới. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác tiêm chủng. Dự kiến, trong tháng 11 – 12/2018 sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vác xin sởi – rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi tại 7 huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo là dịp để các đơn vị cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, có kế hoạch chủ động đối phó với tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, góp phần giảm số ca mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn toàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Đỗ Hoa

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD