Hội LHPN đồng hành với công tác Dân số - KHHGĐ

Xác định công tác DS - KHHGĐ là một trong những chương trình trọng tâm trong hoạt động công tác Hội, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nội dung, hình thức phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi dân số của phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có thể nói, công tác DS/SKSS-KHHGĐ không hề đơn giản. Làm thế nào để người dân hiểu và thay đổi quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, trọng nam khinh nữ? Đây là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ tuyên truyền viên (TTV), cộng tác viên (CTV) DS-KHHGĐ. Với phương châm “Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”, thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động trong công tác DS-KHHGĐ.
Toàn cảnh buổi nói chuyện chuyên đề CSSKSS cho Hội viên - HLHPN
Theo đó, các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác DS - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, như: Luật hôn nhân, gia đình; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Pháp lệnh Dân số... Việc tuyên truyền được các cấp Hội gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, với các tiêu chí cụ thể: gia đình không đói nghèo, không có bạo lực gia đình, không có người sinh con thứ 3... Qua các buổi tuyên truyền đã cung cấp kiến thức, bồi dưỡng và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp mỗi cá nhân nhận thức đúng và sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng của việc thực hiện DS-KHHGĐ trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình truyền thông, các cấp Hội chủ động gặp gỡ, tư vấn trực tiếp cho chị em và các cặp vợ chồng đã có 2 con trở lên, đặc biệt vận động các gia đình hội viên sinh con một bề là gái, các gia đình mới sinh một con tham gia các mô hình DS - KHHGĐ tại địa phương... Qua đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể, tỷ lệ cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại tăng hơn trước, mô hình gia đình 1 – 2 con trở nên phổ biến trong cộng đồng; đời sống của số đông chị em được cải thiện, gia đình ít con nên chị em có thời gian quan tâm, chăm sóc bản thân và gia đình nhiều hơn, nhiều hộ nghèo đã trở thành gia đình khá giả, tỷ lệ gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc tăng; vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được khẳng định; tổ chức của Hội được tin cậy, uy tín ngày càng được nâng lên.
Hiện nay, các cấp hội cơ sở đã thành lập được 106 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 154 CLB “Xây dựng Gia đình 5 không, 3 sạch”, 16 CLB“nuôi dạy con tốt”, 63 CLB “Gia đình không sinh con thứ 3” và thành lập 552 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng nhằm hỗ trợ kịp thời và bảo đảm an toàn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2010 - 2015, tổ chức tuyên truyền kiến thức nuôi dạy con thông qua sinh hoạt Chi Hội phụ nữ, sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ 73.458 bà mẹ, 35.959 ông bố và 23.953 trẻ vị thành niên tham dự các buổi sinh hoạt. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về DS - KHHGĐ; truyền thông về kiến thức DS - KHHGĐ; sức khoẻ sinh sản cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; về phòng, chống suy dinh dưỡng, kỹ năng dinh dưỡng hợp lý; về chăm sóc “dinh dưỡng dự phòng” trước khi mang thai, trong giai đoạn mang thai và hướng dẫn thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ; kết quả tổ chức được trên 189 cuộc, hơn 14.100 lượt người tham gia. Các cấp Hội đều chủ động phối hợp với ngành dân số thực hiện tốt công tác cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ngày càng thuận tiện, an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Đồng thời, đối với các xã, thôn, bản khó khăn, hàng năm đều phối hợp, tham gia các chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ CSSKSS đến vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ.
Bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã góp phần thực hiện chương trình DS – KHHGĐ. Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Hội đẩy mạnh duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình dân số mang nét đặc trưng của giới như mô hình câu lạc bộ: Phụ nữ không sinh con thứ 3; sức khỏe sinh sản; phòng chống suy dinh dưỡng... Qua đó, giúp hội viên phụ nữ được tiếp cận với các kiến thức trong nuôi dạy con, chăm sóc gia đình, nhất là kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - KHHGĐ, góp phần ổn định quy mô, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD